Các cấp Công đoàn Lào Cai góp phần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Các cấp Công đoàn Lào Cai đã tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó, tham gia tích cực vào hoạt động cải cách chính sách bảo hiểm để BHXH là chỗ dựa đáng tin cậy không chỉ của đoàn viên, người lao động mà còn cả toàn dân như mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã đặt ra “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.
Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2025
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn, tham gia với cơ quan chức năng thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 28-NQ/TW, đặc biệt là để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 218-CTr/TU, Chương trình hành động số 2260/CTHĐ-TLĐ ngày 12/11/2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản số 232/LĐLĐ ngày 23/8/2018 chỉ đạo đến các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Lào Cai trong tình hình mới. Tập trung tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH. Các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết, lựa chọn những nội dung thiết thực về chính sách BHXH và cải cách chính sách BHXH để tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành để lồng ghép với công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và các chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ; chủ động tham gia, góp ý hoàn thiện các văn bản pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật khác có liên quan các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm.
LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở nắm bắt việc đóng và nợ BHXH, BHYT, BHTN; đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) nợ BHXH, BHYT, BHTN đề nghị chuyên môn, chủ sử dụng lao động thực hiện việc đóng nộp theo quy định, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ.
Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát cơ quan Bảo hiểm xã hội về chính sách hỗ trợ Covid-19
Với những nỗ lực không ngừng, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức 21 hội nghị tuyên truyền pháp luật và đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN với 2.280 CNVCLĐ tham gia, phát hành 2.000 cuốn sách pháp luật lao động, phát 2.370 tờ rơi. Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 259 hội nghị tuyên truyền với 19.346 CNVCLĐ tham gia, các công đoàn cơ sở đã tổ chức 6.110 buổi tuyên truyền lồng ghép với hội nghị, sinh hoạt công đoàn, thu hút 183.300 lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Có trên 2.825 tủ sách, ngăn sách, ô sách pháp luật với hàng ngàn đầu sách, phục vụ cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ tra cứu chính sách pháp luật. Tư vấn 688 trường hợp cho đoàn viên, CNVCLĐ, công đoàn cơ sở về pháp luật bảo hiểm và các độ chính sách. LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thi “Cán bộ Công đoàn giỏi” ở 2 cấp huyện, ngành và tỉnh bằng hình thức sân khấu hóa, tìm hiểu về chế độ, chính sách BHXH, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tham gia hội thi có 15 đội với hơn 400 thí sinh tham gia. Tuyên truyền vận động, kết nạp được 6.752 đoàn viên, vận động 6.752 đoàn viên tham gia đóng BHYT, BHTN và BHXH, đầy đủ.
Đặc biệt, các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường đối thoại chính sách pháp luật lao động, Công đoàn, BHXH. Trong 5 năm đã tổ chức 62 cuộc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ; có 11.014 người tham dự với 7.163 ý kiến, kiến nghị, đề xuất về các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên, NLĐ (Trong đó LĐLĐ tỉnh tổ chức 24 cuộc tiếp xúc, đối thoại).
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Công đoàn Lào Cai đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát 102 đơn vị, doanh nghiệp, công ty, hộ cá thể việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, để kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm… nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và NLĐ; LĐLĐ tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án 15/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai, chủ trì giám sát tại các doanh nghiệp về việc thực hiện pháp luật bảo hiểm từ 3-5 đơn vị/năm. Năm 2021, đã giám sát cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã huyện Bảo Thắng và Bát Xát về việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động
Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2016 – 2021, 2021 – 2025 trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Tòa án, Cục Thuế tỉnh chương trình công tác hàng năm trong đó có chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, việc đóng nộp kinh phí công đoàn và chế độ chính khác liên quan đến NLĐ.
5 năm qua, các cấp Công đoàn Lào Cai đã tích cực tham gia, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn và của Tỉnh ủy Lào Cai góp phần không nhỏ trong công cuộc cải cách chính sách BHXH. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chương trình số 218-CTr/TU và các chế độ chính sách về BHXH của một số ít công đoàn cơ sở còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, NLĐ bị ngừng việc, mất việc thuộc các Công đoàn ngành, LĐLĐ thị xã, thành phố và các huyện với tổng số 4.384 người. Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra. Công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở chưa hiệu quả.
Đứng trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, để khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn, các cấp Công đoàn Lào Cai tiếp tục tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong đó tham gia tích cực vào cải cách các chính sách BHXH để BHXH là chỗ dựa đáng tin cậy cho đoàn viên, NLĐ.