Các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc có tác động tích cực đến mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phòng tránh được việc mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu kiện, đình công, ngừng việc tập thể…giúp đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) yên tâm làm việc, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa NLĐ và người sử dụng lao động, qua đó giúp nâng cao tinh thần làm việc, lao động, cống hiến của đoàn viên, CNVCLĐ.
Ngay từ đầu năm 2021, các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015, Thông tư hướng dẫn số 01/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ nội vụ, Nghị định 145/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, hướng dẫn số 1271/HD-TLĐ ngày 07/8/2017, Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019, thực hiện QCDC cơ sở tại nơi làm việc... đến cán bộ công đoàn và CNVCLĐ, giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn hiểu rõ tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của việc xây dựng và thực hiện QCDC. Các cấp công đoàn Lào Cai đã chủ động tham gia với chuyên môn thành lập mới, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn và chuyên môn. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tích cực tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ việc triển khai thực hiện QCDC cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

Đồng chí Nguyễn Minh Thái - Phó chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ tại Công ty CP môi trường Đô thị Lào Cai
Việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị được cụ thể hóa thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm và hội nghị đối thoại. Qua hội nghị, CNVCLĐ được trực tiếp tham gia xây dựng, bổ sung các nội quy, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế về tiền lương, tiền thưởng, đề xuất các giải pháp tiết kiệm chi phí, quy trình, thủ tục, xử lý kỷ luật lao động và những nội dung liên quan đến việc làm của NLĐ theo quy định của pháp luật. Đã có 1.024/1.024 cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đạt 100%. Các đơn vị chỉ đạo tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức như: LĐLĐ huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai, Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn Viên chức. Thông qua việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở, các cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp đã động viên sự sáng tạo, nhiệt tình của cán bộ công chức, viên chức, NLĐ trong việc cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Ý kiến của đoàn viên thuộc Công đoàn ngành Giao thôngVận tải-Xây dựng tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại
Trong khối doanh nghiệp, BCH công đoàn các cơ sở đã bám sát hướng dẫn và phối hợp với chuyên môn tổ chức hội nghị người lao động. Đã có 159/195 đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, đạt 81%. Các đơn vị tổ chức tốt hội nghị người lao động như: Công đoàn ngành Y tế, LĐLĐ thành phố, CĐ Công ty Apatit Việt Nam đạt100%... Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở có 164/195 doanh nghiệp tổ chức ký thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể đạt 84%. Các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn chủ động phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ và hội nghị đối thoại định kỳ; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế của doanh nghiệp như: Chi tiêu nội bộ, văn hóa doanh nghiệp, quy chế nâng lương, quy chế phối hợp giữa công đoàn với giám đốc doanh nghiệp và các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người lao động phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. CĐCS đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quá trình chuẩn bị đối thoại, tiến hành đối thoại (định kỳ và đột xuất) và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc đối thoại. Nội dung đối thoại đã tập trung đến những vấn đề bức xúc, cấp thiết liên quan đến NLĐ và các bên trong quan hệ lao động. Qua đó, các doanh nghiệp đã động viên NLĐ hăng hái thi đua lao động, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lào Cai không để xảy đình công, bãi công, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp.
Các cấp công đoàn thường xuyên kịp thời nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, kiến nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu quốc hội, UBND tỉnh , với công đoàn cấp trên (Tổng Liên đoàn, LĐLĐ tỉnh...). Tiếp tục thực hiện Đề án 15/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai về phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, giai đoạn 2020-2025 có hiệu quả, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức tập huấn lồng ghép các nội dung, trong đó có các nội dung về nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội, cách thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đối tượng giám sát và nội dung, phạm vi giám sát; tham gia tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cho cán bộ chủ chốt các cấp công đoàn trong tỉnh. Kết quả các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức 21 cuộc tiếp xúc, đối thoại; 3.830 người tham dự, 275 kiến nghị. Cụ thể Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 09 cuộc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ chuyên trách công đoàn tỉnh; đoàn viên, CNVCLĐ thuộc LĐLĐ huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, LĐLĐ thành phố, CĐ ngành Công thương, CĐ Giao thông vận tải-Xây dựng và đoàn viên, người lao động thuộc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai, Chi nhánh Mỏ đồng Sin Quyền với 1.200 người tham gia, 55 ý kiến, kiến nghị. Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 12 cuộc, 2.730 người tham gia với 230 ý kiến, kiến nghị. LĐLĐ tỉnh chủ trì giám sát 02 cuộc, 07 đơn vị và phối hợp giám sát 4 cuộc, 10 đơn vị. Các cấp công đoàn giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Công đoàn cơ sở đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban TTND xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết hội nghị CBCC trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động của các Ban TTND năm 2021 có nhiều chuyển biến tích cực, các cuộc giám sát của Ban TTND đã góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Kết quả có 829 Ban TTND xếp loại Tốt đạt 81%; có 178 Ban TTND xếp loại Khá đạt 17%; 21 Ban TTND xếp loại Trung bình đạt 2 %. Tổ chức 03 lớp tập huấn, 320 người tham dự, nội dung về quy chế dân chủ cơ sở, kỹ năng xây dựng nội dung thương lượng tập thể và các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC cơ sở hiện vẫn còn tồn tại hạn chế như: Một số CĐCS chưa mạnh dạn yêu cầu NSDLĐ tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật. Một số ít doanh nghiệp khu vực nhà nước chưa nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị người lao động, chưa thực hiện đúng quy trình tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; chậm sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế của đơn vị cho phù hợp với quy định hiện hành. Một số Ban thanh tra nhân dân thiếu sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, nội dung phương pháp hoạt động còn lúng túng. CĐCS chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban TTND theo đúng chức năng, nhiệm vụ của pháp luật. Bên cạnh đó do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp dừng hoạt động, tạm dừng hoạt động, NLĐ bị mất việc, dừng việc, do vậy việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp thực hiện chưa đúng thời gian quy định.
Để thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn tham gia thực hiện QCDC năm 2022, các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn các văn bản luật có liên quan đến chế độ chính sách, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; lựa chọn các điển hình trong công tác xây dựng và thực hiện QCDC để kịp thời khen thưởng, động viên và nhân rộng; nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là kỹ năng phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; nâng cao trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện QCDC, tạo điều kiện để cán bộ, CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ góp phần vào sự ổn định, phát triển của đơn vị.