Các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai Nâng cao vai trò của công đoàn trong giám sát và phản biện xã hội
Lượt xem: 253
Năm 2019, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp công đoàn trong tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Xác định vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, ngay sau khi Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Đề án 15/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai, Quy chế 17-QCTU ngày 4 tháng 12 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ban hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh, đồng thời xây dựng chương trình hành động và triển khai, thực hiện trong các cấp công đoàn. Chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên giám sát và tích cực phối hợp kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến CNVCLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Năm 2019, các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát 85 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện quy chế dân chủ, việc thực thi pháp luật về lao động, BHXH và chế độ chính sách như thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, việc trả lương, thưởng, định mức lao động, chế độ làm thêm giờ, chế độ phép, nghỉ lễ, nghỉ tết; việc trích nộp BHXH và chi trả chế độ BHXH, công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; việc bảo đảm an toàn vệ sinh nhà ăn ca, bữa ăn ca của công nhân...

Đồng chí Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm
Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên


Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn đã nắm thực tế đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ, chính sách theo pháp luật lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động, từ đó có ý kiến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước. Kết quả, các cấp công đoàn đã phối hợp đề nghị một số Trường học thuộc huyện Bảo Thắng hàng năm phải đề nghị tăng lương thường xuyên, tăng lương trước thời hạn cho giáo viên và cán bộ; một số giáo viên tại các Trường thuộc thành phố Lào Cai được chi trả tiền dạy thêm; tham gia giải quyết cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần hoá chất Phúc Lâm, trụ sở tại Xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) trả sổ Bảo hiểm và thanh toán các chế độ khác cho người lao động; Kiến nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xử lý doanh nghiệp tăng giờ làm thêm quá quy định, nợ đọng tiền BHXH, vi phạm chế độ, chính sách pháp luật lao động và đề nghị hướng dẫn các doanh nghiệp cách tính lương theo Nghị định 05 của Chính phủ; phối hợp cùng công đoàn cơ sở tham gia xây dựng định mức lao động, thang bảng lương tại các đơn vị, doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật, xây dựng nội quy lao động và đảm bảo các chế độ, chính sách cho CNVCLĐ...

Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, các cấp công đoàn tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia ý kiến vào các dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Dự thảo pháp lệnh người có công, Điều lệ Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo vệ môi trường..., Chương trình hành động số 218-CTr/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách bảo hiểm xã hội; Dự thảo Tờ trình và Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, các văn bản dự thảo của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Các ý kiến tham gia của các cấp công đoàn luôn sát với thực tiễn và được các cấp, các ngành chấp thuận bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức 06 cuộc tiếp xúc, đối thoại: Đối thoại trực tiếp với 609 cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ với tổng số 93 ý kiến tại Công đoàn ngành Công thương, CĐ ngành Giao thông-Xây dựng, LĐLĐ thành phố, CĐ Công ty Apatit, Công đoàn viên chức và tiếp xúc, đối thoại với cán bộ Công đoàn chuyên trách tỉnh Lào Cai. LĐLĐ các huyện, các ngành tổ chức 8 cuộc, có 465 người tham gia, có 104 kiến nghị, đề xuất (Trong đó LĐLĐ huyện Mường Khương tổ chức 02 cuộc, LĐLĐ huyện Bảo Thắng 03 cuộc, LĐLĐ huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát mỗi đơn vị 01 cuộc). Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai nắm bắt tình hình đời sống việc làm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và việc thực hiện chế độ chính sách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; trực tiếp nghe những kiến nghị, đề xuất, chất vấn của CNVCLĐ; từ đó cùng với Ban giám đốc Sở Giao thông Vận tải-Xây dựng, Sở Công thương, Thành ủy Lào Cai, UBND thành phố, Đảng ủy Công ty Apatit Việt Nam, Đảng ủy khối cơ quan doanh nghiệp... các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách cũng như hoạt động công đoàn; đảm bảo cho hoạt động của Công đoàn ngành Giao thông Vận tải-Xây dựng, CĐ ngành Công thương, LĐLĐ thành phố, Công đoàn Viên chức, Công đoàn Apatit Việt Nam ngày càng hoạt động có hiệu quả; góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc, đối thoại CĐ ngành Công thương

Đoàn viên thuộc CĐ ngành Công thương có ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại


Năm 2019, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, thông qua đó đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách cho người lao động. Cũng từ đó, các cấp công đoàn kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của CNVCLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho tổ chức công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

 


 Tác giả: Kim Tuyến (LĐLĐ tỉnh)

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập