Công đoàn có thể mời luật sư để bảo vệ quyền lợi BHXH cho người lao động
Lượt xem: 206
Ngày 9/9/2019, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành văn bản số 1406/TLĐ gửi tới LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương về việc thực hiện quyền của tổ chức công đoàn trong việc xử lý về hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. 

Căn cứ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Công đoàn, để có cơ sở giúp các cấp công đoàn thực hiện tốt quyền và trách nhiệm tham gia trong việc xử lý về hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn nghiên cứu kỹ nội dung Khoản 2, Điều 5 và các Điều từ 143 đến 147 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 7, Điều 10 Luật Công đoàn; Điều 216 Bộ luật Hình sự và các nội dung Nghị quyết 05/2019/NQ – HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Khi xác định hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động có đủ dấu hiệu của tội phạm theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, tổ chức công đoàn (các cấp) tiến hành một trong các hoạt động sau: Thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (chủ yếu là cơ quan điều tra – công an địa phương) để xem xét, khởi tố theo quy định của pháp luật; đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự. Việc gửi thông báo hoặc đề nghị phải kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan.

 Công văn còn hướng dẫn tổ chức công đoàn có thể mời luật sư, luật gia, tư vấn viên tham gia vụ án với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 Tác giả: Kim Tuyến (LĐLĐ tỉnh)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập