Ghi nhận các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới
Lượt xem: 276
Thực hiện Nghị quyết 9b/NQ-BCH (Khóa XI) về công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới (giai đoạn 2016-2019). Những năm qua và năm 2019 các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai đã phát huy tốt vai trò của mình, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã góp phần đảm bảo cho đoàn viên, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh phát triển.

Xác định vai trò của Công đoàn trong việc triển khai và thực hiện quy chế dân chủ ở ở cơ sở, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lào Cai thường xuyên chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành tập trung chỉ đạo các CĐCS triển khai thực hiện tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Theo đó, 15/15 LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành tổ chức tuyên truyền và quán triệt hướng dẫn các CĐCS triển khai, thực hiện tốt công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.

Hiện LĐLĐ tỉnh đang quản lý trực tiếp 1.270 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 44.710 đoàn viên. Các cấp công đoàn trong toàn tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức Hội nghị CBCC; tổ chức Hội nghị NLĐ, tiếp xúc, đối thoại tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp theo Nghị định 04/NQ-CP, Nghị định 60/NQ-CP, Nghị định 149/NQ-CP, Nghị định 159/NQ-CP, hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ ngày 20/11/2013 của Đoàn chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam về Hướng dẫn công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Hướng dẫn số 1271/HD-TLĐ ngày 07/08/2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định tại Nghị định số 159/2016/NĐ-CP. 

Thông qua công tác tuyên truyền và tập huấn, các cấp công đoàn nắm bắt tình hình về việc làm, thu nhập, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động cũng như tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Kết quả đã tổ chức 249 lớp tập huấn, 8.320 người tham gia.

Đối với hội nghị NLĐ, các cấp công đoàn chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm công đoàn, như tổng hợp kiến nghị của người lao động; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích NLĐ, tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đối thoại tại cơ sở v.v... Bên cạnh đó, hội nghị NLĐ chất lượng được nâng lên từng năm, quyền dân chủ của NLĐ được phát huy với nhiều ý kiến, kiến nghị được người sử dụng lao động quan tâm, trả lời công khai, qua đó đã từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại cơ sở. Hàng năm đã có 80,8% doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội nghị NLĐ. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu tại

Hội nghị người lao động tại Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

Tổ chức Hội nghị CBCCVC cơ bản thực hiện đúng trình tự theo hướng dẫn, tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định nội bộ trên cơ sở tôn trọng ý kiến tham gia của công nhân, viên chức, lao động; nêu những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như quy chế dân chủ cơ sở để có giải pháp thực hiện cho năm tiếp theo. Hàng năm đã có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC.

Các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết hội nghị CBCNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước. Việc đánh giá, xếp loại hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đã đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Hàng năm có trên 75% Ban Thanh tra nhân dân đạt loại Tốt.

Hội nghị đối thoại định kỳ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lào Cai

Đơn cử là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lào Cai (là doanh nghiệp nhà nước) trực thuộc Công đoàn ngành Công thương, có 38 lao động ở  4 tổ công đoàn. Những năm qua, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có việc tổ chức hội nghị NLĐ và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Ông Nguyễn Đắc Tráng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: Công ty thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở và hội nghị NLĐ được tổ chức hằng năm. Tại đây, lãnh đạo công ty đã thông tin kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh; đồng thời khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến sáng tạo đóng góp hiệu quả cho công ty.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay các cấp Công đoàn tổ chức 39 cuộc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong toàn tỉnh. (LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 14 cuộc, Công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức 25 cuộc). LĐLĐ tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát 9 cuộc 20 đơn vị doanh nghiệp về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ bảo hiểm, pháp luật lao động và luật An toàn vệ sinh lao động…Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại và giám sát đã trực tiếp nắm bắt tình hình đời sống việc làm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và việc thực hiện chế độ chính sách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; trực tiếp nghe những kiến nghị, đề xuất, chất vấn của CNVCLĐ; từ đó cùng với UBND các huyện, thành phố, Lãnh đạo Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách cũng như hoạt động công đoàn; đảm bảo cho hoạt động của LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành ngày càng hiệu quả hơn; góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.

Các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã tham gia xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, quy chế phối hợp công tác giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị và giám đốc doanh nghiệp với Ban chấp hành cơ sở. Có 97,2% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có quy chế phối hợp công tác; 82,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có xây dựng quy chế dân chủ; có 72,8% doanh nghiệp xây dựng quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. 

Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh cũng thực hiện chương trình ‘‘Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp giai đoạn 2013-2018”. Các bản TƯLĐTT được ký kết theo trình tự quy định của pháp luật, xuất phát từ nguyện vọng giữa người sử dụng lao động và NLĐ, mỗi năm đạt bình quân 76% DN có TƯLĐTT.. Trong đó các CĐCS chủ động dự thảo và đề xuất với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tùy vào điều kiện, không nhất thiết phải chờ tới hội nghị NLĐ. Từ năm 2017 đến nay tại tỉnh Lào Cai chưa xảy ra vụ tranh chấp, đình công nào. Qua đó cho thấy các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã làm tốt công tác đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể… hạn chế được số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc xảy ra.

Ba năm qua các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai triển khai kịp thời các quy định của pháp luật, văn bản, Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 5/3/2014 của Tổng LĐ LĐ Việt Nam quy định “Về công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Hướng dẫn số 742/HD-TLĐ ngày 17/4/2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện tốt công tác tiếp đoàn viên, người lao động; tập trung nghiên cứu sâu, thực hiện đúng thẩm quyền, đầy đủ trách nhiệm của công đoàn trong việc tiếp đoàn viên và người lao động đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Phân loại, xử lý và giải quyết, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Kết quả đã nhận được 12 đơn, đã giải quyết 08 đơn, chuyển cho cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 04 đơn. Không có đơn thư khiếu kiện kéo dài và vượt cấp.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ và phát huy dân chủ ở cơ sở trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, góp phần thúc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước như phong trào xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; “Xanh - Sạch - Đẹp, Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Năng suất chất lượng hiệu quả”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Hai tốt”. Quan tâm phát triển đoàn viên công đoàn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 3 năm tổng kết thực hiện Nghị quyết 9b/NQ-BCH (Khóa XI) về công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị tổ chức Hội nghị CBCCVC còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp do điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh nên Hội nghị NLĐ thường lồng ghép với Hội nghị tổng kết nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động thường xuyên biến động nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức hội nghị NLĐ. Một số doanh nghiệp chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện. Chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế; có nơi hoạt động còn hình thức. Một số bản thỏa ước lao động tập thể được doanh nghiệp xây dựng chủ yếu sao chép các điều luật, có ít điều khoản có lợi cho người lao động v.v...

Quá trình triển khai Nghị quyết 9b/NQ-BCH (Khóa XI) các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực như tạo không khí cởi mở, dân chủ trong sinh hoạt và hội nghị; hạn chế được tình trạng cửa quyền, quan liêu; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công nhân, viên chức, NLĐ về tính dân chủ được nâng lên. Tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ và là hạt nhân quan trọng để xây dựng mối quan hệ, đồng hành với chuyên môn, chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Chính điều này đã góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng văn minh, giàu đẹp, ổn định và phát triển.

 Tác giả: Kim Tuyến (LĐLĐ tỉnh)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập