Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai đã triển khai đến các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Cán bộ công đoàn tích cực tham gia đóng góp ý kiến
Các cấp công đoàn căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và đơn vị để tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ phương châm, quan điểm, nguyên tắc, định hướng của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, trọng tâm là Chỉ thị số 18-CT/TW, Quyết định số 217-QĐ/TW về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”, Đề án số 15-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể CT-XH ” nhằm tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí công tác giám sát, phản biện để nâng cao vai trò của Công đoàn trong hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính sách của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị và nhiệm vụ giám sát, phản biện hằng năm bảo đảm đổi mới nội dung, phương thức theo hướng: chủ động, dân chủ, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế của địa phương và cơ sở, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường các hoạt động truyền thông công đoàn từ tỉnh đến cơ sở thông qua mạng xã hội; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, NLĐ về phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đưa tin tuyên truyền việc triển khai Chỉ thị 18-CT/TW trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh và địa phương, trang Website của Công đoàn. Thường xuyên đăng tải các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của tổ chức công đoàn; các tài liệu, bài viết, thông tin liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn. Công khai kết quả giám sát, phản biện xã hội trên các phương tiện truyền thông, trang Website của Công đoàn.
Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giám sát phản biện xã hội và đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới về công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn: Chủ động nghiên cứu, lựa chọn lĩnh vực, nội dung, đối tượng giám sát phù hợp với tình hình thực tế, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động và dư luận xã hội đang quan tâm; xây dựng nội dung giám sát trên cơ sở bám sát Đề án số 15-ĐA/TU, Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp và các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; hằng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới về công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn. Tổ chức rà soát, đánh giá các chương trình phối hợp về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn đã được ký kết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan, ban ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Bám sát vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch cho phù hợp, sát thực tiễn.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phân công 01 cán bộ phụ trách công tác giám sát, phản biện xã hội của cấp mình; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được phân công phụ trách công tác giám sát, phản biện xã hội khi được triệu tập.
Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị và các văn bản liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn: Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ và các cơ quan có liên quan cùng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện đạt hiệu quả.