Những chuyển biến tích cực sau 10 năm triển khai thi hành Luật Công đoàn
Luật Công đoàn đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mối quan hệ giữa chính quyền và công đoàn các cấp ngày càng được tăng cường; vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn ngày càng được nâng cao.
Việc cụ thể hóa những nội dung của Luật Công đoàn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ).
LĐLĐ tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển kinh tế, chính tri, xã hội của tỉnh, với sự quan tâm của Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án quan trọng, tạo thêm nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động, từ đó đội ngũ CNVCLĐ tỉnh Lào Cai ngày càng tăng.
Sau khi Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Lào Cai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với tổ chức công đoàn triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo việc thực hiện các quy định của Luật Công đoàn thông qua các Chương trình, Kế hoạch, các phiên làm việc hằng năm với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, các cuộc giao ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh. Định kỳ, UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh đã tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp, đồng thời tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện, qua đó những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nảy sinh liên quan đến phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã được các cấp Ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm giải quyết. Vai trò của tổ chức Công đoàn được thể hiện thông qua việc tham gia ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hội đồng khen thưởng kỷ luật, hội đồng nâng lương, tham gia công tác quản lý cơ quan, đơn vị, bàn biện pháp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống của CNVCLĐ; tham gia sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh; hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, người lao động ký kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đại diện NLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia xây dựng nội quy lao động, quy chế trong cơ quan đơn vị; kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ và động viên NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy của cơ quan, đơn vị…
Các cấp Công đoàn tỉnh đã thường xuyên quan tâm việc quán triệt Luật Công đoàn thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tuyên truyền, qua các buổi sinh hoạt của tổ chức công đoàn, qua các hội thi, sân khấu hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao. Từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động và tạo sự đồng thuận của đoàn viên, tạo điều kiện phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ ở địa phương. Trong 10 năm, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 21 hội nghị tuyên truyền pháp luật và đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN với hơn 2.280 CNVCLĐ tham gia, phát hành 3.900 cuốn chính sách pháp luật lao động, BHXH; phát 4.740 tờ rơi. Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 518 hội nghị tuyên truyền với 19.346 đoàn viên, CNVCLĐ tham gia; các CĐCS đã tổ chức 12.205 buổi tuyên truyền lồng ghép với hội nghị, sinh hoạt công đoàn, thu hút 357.230 lượt đoàn viên, NLĐ tham gia. Hiện nay toàn tỉnh đã có trên 1.200 tủ sách, ngăn sách, giỏ sách pháp luật với hàng ngàn đầu sách. Văn phòng Tư vấn pháp luật và 15 tổ tư vấn pháp luật đã tư vấn 1.381 lượt về chính sách bảo hiểm và các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động.
Tham gia với cơ quan chức năng xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động luôn được chú trọng. Các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến vào hơn 5.500 các dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật BHXH, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, các văn bản Quy phạm pháp luật, tham gia góp ý xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Việc bảo đảm về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn đã được các cấp có thẩm quyền phối hợp với tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Các cấp chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp đã quan tâm bố trí chỗ làm việc, cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về thời gian cho công đoàn hoạt động. Công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong hệ thống công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã được thực hiện đúng quy định.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cũng còn gặp khó khăn, do số lượng NLĐ ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ít, bên cạnh đó đến năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 một số CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã dừng hoạt động hoặc giải thể nên số đoàn viên cũng giảm, theo đơn vị HCSN sáp nhập về mặt tổ chức để hoạt động có hiệu quả (năm 2013 có 1.265 CĐCS và 42.769 đoàn viên, đến năm 2021 có 1.224 CĐCS và 41.144 đoàn viên).
Để tổ chức có hiệu quả hoạt động của Công đoàn và phong trào CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký Quy chế phối hợp công tác với UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội, Thanh tra, Tòa án, Sở NN&PTNN, Sở Y tế, Công an tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, các đoàn thể tỉnh... và ký với 09 Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy... Đối với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký quy chế phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân 9 huyện, thị xã, thành phố và các phòng, cơ quan chuyên môn liên quan thuộc các huyện, thị xã, thành phố; Ban giám đốc Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Giao thông VT - XD, Công ty Apatit Việt Nam, Sở Giáo dục & Đào tạo... CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT, nội quy lao động, tham gia xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, tham gia Hội đồng thi đua - khen thưởng, kỷ luật, Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật …Hằng năm phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chuyên môn đồng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị NLĐ, hội nghị CBCCVC, tham gia xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở.
Các cấp công đoàn trong tỉnh hằng năm phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện để thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều cuộc về việc thực hiện pháp luật lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát được hơn 206 cuộc; công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở kiểm tra, giám sát được hơn 404 cuộc.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Công đoàn vẫn còn một số khó khăn, bất cập đó là: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và rất nhỏ, hoạt động không ổn định; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của NLĐ thấp, hiểu biết pháp luật lao động, luật công đoàn còn hạn chế. Một số chủ doanh nghiệp tìm cách lảng tránh khi công đoàn cấp trên đến tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS, tìm cách trì hoãn việc thành lập. Chủ doanh nghiệp còn chưa nhận thức được vai trò của tổ chức công đoàn vì vậy công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức CĐCS còn nhiều khó khăn. Việc thực thi Luật Công đoàn ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn chưa đầy đủ như việc trích nộp kinh phí công đoàn 2% theo Nghị định 191/NĐ-CP và cũng chưa thực hiện xử phạt được những vi phạm của các đơn vị này. Các kiến nghị, đề xuất của các đoàn kiểm tra, giám sát với các cơ quan có thẩm quyền có lúc chưa được giải quyết kịp thời... Cán bộ CĐCS 100 % hoạt động kiêm nhiệm, tập trung công tác chuyên môn, thời gian dành cho hoạt động công đoàn chưa nhiều; số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách ít (mỗi đơn vị cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ bố trí được 03 cán bộ, có đơn vị chỉ có 02 cán bộ chuyên trách), mặt khác Lào Cai là tỉnh miền núi, đại bàn rộng, vì vậy khó khăn trong việc đi lại, tổ chức các hoạt động tập trung...
Có thể khẳng định, Luật Công đoàn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các cấp công đoàn và đoàn viên, NLĐ; đó là sự thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Công đoàn 2012, các cấp Công đoàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo CĐCS nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho đoàn viên; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục giúp đoàn viên, NLĐ có kiến thức và bản lĩnh chính trị; nắm bắt đầy đủ, kịp thời và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy ngày càng tốt hơn bản chất giai cấp công nhân; xác định được vai trò, sứ mệnh cách mạng của mình trong tình hình mới, tích cực tham gia ý kiến trong việc góp ý sửa đổi Luật Công đoàn cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.