Phát huy vai trò của công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Thực hiện Quyết định 217/QĐ-CP của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và Đề án 15/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai “Phát huy vai trò giám, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể CT-XH” tỉnh Lào Cai. Những năm qua và năm 2022 các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai đã phát huy tốt vai trò của mình, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở và thực hiện pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã góp phần đảm bảo cho đoàn viên, NLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.
Giám sát việc thực hiện QCDC tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai - Vimico
Xác định vai trò của Công đoàn trong việc triển khai và thực hiện QCDC ở cơ sở với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, Công đoàn ngành tập trung chỉ đạo các CĐCS triển khai thực hiện tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Theo đó, các cấp Công đoàn Lào Cai triển khai, thực hiện tốt nội dung giám sát và phản biện xã hội và thành lập đoàn giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở và thực hiện pháp luật bảo hiểm, pháp luật lao động đối với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các cấp Công đoàn đã giám sát việc tổ chức thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện đối thoại trong các doanh nghiệp, nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, từ đó tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc.
Trong năm 2022, các cấp công đoàn đã giám sát 14 cuộc, 40 đơn vị (Trong đó LĐLĐ tỉnh đã tiến hành giám sát 06 cuộc, 07 đơn vị). Qua hoạt động giám sát, các CĐCS đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nắm bắt đời sống, lao động, việc làm từ đó có ý kiến, kiến nghị tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước. Việc giải quyết chế độ chính sách cho CNVCLĐ được các cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động quan tâm; việc tổ chức hội nghị CBCCVC; hội nghị NLĐ ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định. Có 1.012/1.012 cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCCVC, xây dựng Quy chế dân chủ cơ sở, ký quy chế với thủ trưởng đơn vị đạt 100% (các đơn vị trường học tổ chức hội nghị CBCCVC theo năm học đạt tỷ lệ 100%). Trong khu vực doanh nghiệp, đến nay đã có 142/161 danh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ đạt 88%.
LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 13 hội nghị tuyên truyên, tập huấn về QCDC ở cơ sở với 2.943 người tham gia, tuyên truyền cho cán bộ công đoàn ở cơ sở, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh Lào Cai về thực hiện QCDC ở cơ sở. LĐLĐ tỉnh đa dạng hình thức tuyên truyền đặc biệt áp dụng công nghệ 4.0 và lồng ghép thông qua vai trò của đội ngũ báo cáo viên công đoàn, cộng tác viên dư luận xã hội, qua các lớp tập huấn cán bộ công đoàn hằng năm.
Có thể thấy, việc thực hiện QCDC ở mỗi đơn vị, mỗi loại hình khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ. Đối với Công đoàn thuộc khối hành chính sự nghiệp thì thực hiện QCDC được thực hiện tương đối tốt theo đúng nội dung của Hội nghị cán bộ công chức, viên chức. Đối với doanh nghiệp, thực hiện QCDC được thông qua việc tổ chức công khai phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp, cũng như phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; Hàng năm thông qua hội nghị NLĐ được trực tiếp đối thoại với Ban Giám đốc và tham gia xây dựng, bổ sung các nội quy, quy chế, đề xuất các biện pháp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng quy chế về tiền lương, tiền thưởng, các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, vệ sinh an toàn lao động. Đến nay có 164/197 đã tổ chức đối thoại định kỳ đạt 83% (164/164 đạt 100% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao). Các cấp Công đoàn tổ chức 17 cuộc tiếp xúc đối thoại với 1.112 người tham dự, có 216 ý kiến, kiến nghị.
Thực hiện Đề án số 840/ĐA-TLĐ ngày 06/6/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể giai đoạn 2019-2023” và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh. Kết quả 136 đơn vị thông qua bản thỏa ước lao động tập thể. Trong đó 06 bản thỏa ước lao động tập thể ký mới lần đầu, 35 bản TULĐTT sửa đổi, bổ sung và 95 bản TƯLĐTT giữ nguyên. Các bản TƯLĐTT được ký kết và thực hiện theo quy định. Nhìn chung các bản thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp đều có điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện QCDC cơ sở. Theo tích chất công việc của từng doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đề nghị với người sử dụng lao động quy định thêm những nội dung cần công khai liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động để người lao động biết: Công khai đơn giá tiền lương trên một sản phẩm, tiền chuyên cần, trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng các loại bảo hiểm, công khai tài chính hàng năm về các nội dung liên quan đến người lao động...Chính vì vậy, nhiều năm qua, Lào Cai không có tình trạng đình công, ngừng lao động tập thể và đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Ban Thanh tra nhân dân của các đơn vị cơ bản thực hiện đúng theo hướng dẫn, quy định về tổ chức, hoạt động của Ban TTND. Ban TTND được thường xuyên kiện toàn, có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng quý, từ đó đã thực sự phát huy hiệu quả của Ban TTBD trong giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị CBCCVC, thực hiện QCDC cơ sở, Quy chế chi tiêu nội bộ, các chế độ, chính sách tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả 1.020 Ban Thanh tra nhân dân duy trì hoạt động (Xếp loại tốt 902 BTTND đạt 87%, khá 113 BTTND đạt 11%, trung bình 05 BTTND đạt 2%).
Đối với công tác phản biện, năm 2022, tổ chức Công đoàn trên toàn tỉnh đã tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn, tham gia góp ý và tổ chức góp ý 40 dự thảo văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở còn một số hạn chế như là: Còn một số ít đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi việc thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Việc tổ chức Hội nghị người lao động còn một số đơn vị doanh nghiệp chưa thực hiện được. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa sâu sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia thực hiện QCDC tại cơ sở. Một số đơn vị cấp trên cơ sở tổ chức giám sát nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí của địa phương theo đề án; còn một còn một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn do đó chưa tổ chức giám sát, đối thoại theo quy định. Việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội ở các cấp công đoàn chưa thực hiện.
Thông qua phối hợp thực hiện QCDC, tổ chức công đoàn Lào Cai ngày càng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, chức năng tham gia quản lý, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ngày càng được nâng lên. Các cấp công đoàn luôn đồng hành, sát cánh với chuyên môn, chính quyền, chủ doanh nghiệp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hăng say lao động, tận tụy phục vụ Nhân dân. Tổ chức Công đoàn Lào Cai thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và là hạt nhân quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.