Tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp, đơn vị đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ. Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang đẩy mạnh các biện pháp thu nợ.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết tháng 6/2021, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt hơn 865 tỷ đồng, bằng 46,2% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tổng số nợ là hơn 87,3 tỷ đồng, chiếm 4,67% so với kế hoạch, trong đó nợ bảo hiểm xã hội 71 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp gần 3,6 tỷ đồng; nợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 856 triệu đồng; nợ bảo hiểm y tế hơn 11,7 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội (ảnh minh họa)
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai đã tăng cường đôn đốc, thu hồi nợ, áp dụng biện pháp như cử cán bộ đến trực tiếp đơn vị đốc nợ, hằng tháng gửi thông báo nợ đến các đơn vị sử dụng lao động. Cùng với đó, tiến hành thanh tra đột xuất các đơn vị nợ đọng kéo dài, thông tin danh sách các đơn vị nợ kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi danh sách các đơn vị hưởng lương từ ngân sách sang kho bạc, danh sách các doanh nghiệp nợ sang cơ quan thuế để đôn đốc theo quy chế phối hợp. Phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện của các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng được lý giải là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế giảm; số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế giảm; số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế tăng.
Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, xuất - nhập khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Song, cũng có nguyên nhân chủ quan là ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ doanh nghiệp chưa cao. Hậu quả là người lao động nghỉ việc chịu nhiều thiệt thòi khi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chế độ hỗ trợ trong thời gian chưa có việc làm.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, khó khăn trong xử lý nợ đọng hiện nay là chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, thủ tục chuyển xử lý hình sự của bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn khởi kiện chủ doanh nghiệp còn khó khăn, vướng mắc do yêu cầu ủy quyền khởi kiện của từng lao động. Việc xử lý nợ, tiền lãi bảo hiểm xã hội, bảo bảo hiểm y tế kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Để giảm thiểu tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo, triển khai đến cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể và triển khai thực hiện quy trình nợ theo đúng quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nâng cao chất lượng thu nợ. Tăng cường thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, củng cố hồ sơ để khởi tố các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm về trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những đơn vị quy mô lớn, số nợ lớn, thời gian nợ dài.