Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai Hiệu quả trong phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2011 - 2020
Lượt xem: 593

Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình, đề án về “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở” của Tổng Liên đoàn; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 23/02/2010 và Đề án số 07-ĐA/TU ngày 25/10/2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”. Với phương châm “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, với mục tiêu hoạt động“Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Lào Cai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”. Trong những năm qua, các cấp Công đoàn Lào Cai luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì người lao động; với cách làm sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ công đoàn trong toàn tỉnh; Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lào Cai xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn của đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trong quá trình thực hiện công tác phát triển đoàn viên cũng có nhiều thuận lợi cơ bản, đó là thành tựu khoa học công nghệ ngày càng phát triển; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VIệt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Đề án số 24-ĐA/TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh uỷ Lào Cai, về “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng, giai đoạn 2011-2015”, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai qua từng nhiệm kỳ đề ra các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội đã khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, an sinh xã hội là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và phát triển, nhất là cửa khẩu quốc tế; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống của CNVCLĐ không ngừng được nâng lên...đã thu hút đực nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Lào Cai lập nghiệp.

Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Phát 24/7 Sa Pa

Trong quá trình hoạt động, Công đoàn tỉnh Lào Cai luôn xác định rõ mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Lào Cai đề ra cho từng giai đoạn về công tác phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Gắn công tác phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với đẩy mạnh việc thực hiện. Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã thống nhất đưa ra những mục tiêu cụ thể, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, nhất là công tác phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đó là: (1) Tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. (2) Nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về vai trò của tổ chức công đoàn. (3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS trong các DNKVNNN; Nâng tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh hàng năm. Phát huy vai trò CĐCS đại diện người lao động theo quy định pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn đề ra những biện pháp cụ thể, như làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; Tích cực tuyên truyền, vận động CNVCLĐ vào tổ chức công đoàn. Xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS sát với thực tế. Ưu tiên nguồn lực, vật lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; Đánh giá thực trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS; Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS; Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS trong các doanh nghiệp.   
Công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được các cấp công đoàn quan tâm đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, trong đó tập trung phổ biến, hướng dẫn pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; giai đoạn 2011 - 2020, đã cấp phát 1.500 cuốn Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; in ấn, phát hành gần 20.000 tờ gấp, tài liệu tuyên truyền. Các cấp công đoàn đã tổ chức hàng nghìn đợt tuyên truyền cho công nhân lao động về các văn bản pháp luật liên quan đến lao động và công đoàn; chú trọng tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ CĐCS được quan tâm. Bình quân hằng năm, các cấp công đoàn đã tổ chức trên 30 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kĩ năng hoạt động công đoàn cho hàng nghìn lượt cán bộ công đoàn. 
Cùng với việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng. Các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức có hiệu quả “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”... hằng năm; tổ chức đối thoại, thương lượng, kí kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn cho người lao động, quan tâm hỗ trợ kịp thời cho CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm; hỗ trợ tiền cho hộ gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa, làm nhà mới từ quỹ xã hội công đoàn Lào Cai… Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được nâng cao, tạo động lực để CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động", “Giỏi việc n¬ước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa  nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, ổn định và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Bên cạnh việc tập trung chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, các CĐCS đã làm tốt công tác bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu trên 18.000 đoàn viên ưu tú cho cấp ủy bồi dưỡng, trong đó có trên 10.000 đoàn viên công đoàn được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS qua những năm gần đây, bình quân mỗi năm có trên 88% CĐCS được phân xếp loại đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có CĐCS xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh với cách làm đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn trong tỉnh, nhất là sự lãnh, chỉ đạo, quyết liệt đồng bộ các biện pháp theo quan điểm“Chủ động, kiên trì, linh hoạt, hiệu quả”; triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Ban Chấp hành, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động công nhân, lao động gia nhập tổ chức công đoàn; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì người lao động; công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS có nhiều đột phá, đặc biệt phát triển về số lượng đoàn viên công đoàn, CĐCS trong tỉnh tăng rõ rệt. Từ ngày tái lập tỉnh năm 1991, Lào Cai chỉ có 149 CĐCS (không có CĐCS khu vực ngoài Nhà nước), với 22.676 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); có gần 20.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ). Đến năm 2020, tỉnh có trên 70 nghìn CNVCLĐ, trong đó LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý trên 54.000 người, số đoàn viên công đoàn gần 42.000 người, với 1.237 CĐCS, trong đó trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là 213 CĐCS; so với năm 2011, toàn tỉnh tăng trên 47 nghìn CNVCLĐ; đã kết nạp mới được trên 17.000 ĐVCĐ, tăng 44%; thành lập mới 207 CĐCS, tăng 360%. 
Để thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Xây dựng các cấp Công đoàn tỉnh Lào Cai vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tổ chức công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, viên chức, lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, xây dựng và phát triển đất nước. 
Thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động. Quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời đáp ứng những quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động với phương châm LĐLĐ tỉnh đề ra là hoạt động Công đoàn phải xuất phát từ chính nhu cầu của đoàn viên. Chú trọng bồi dưỡng, đạo tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đẩy mạnh phát triển Đảng trong các Công đoàn cơ sở. Hướng các hoạt động, mục tiêu của tổ chức Công đoàn đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Các cấp Công đoàn tỉnh cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động, làm tốt vai trò đại diện cho đoàn viên, người lao động. 
Muốn vậy các cấp công đoàn phải thường xuyên đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, hướng về đoàn viên và người lao động, bám sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân lao động làm đối tượng vận động, tập hợp và tổ chức hoạt động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động làm mục tiêu hoạt động. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, dành nguồn kinh phí thoả đáng, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời cho những đơn vị thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. 
Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cùng với sự quyết tâm cao tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai nhất định công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập CĐCS sẽ đạt được hiệu quả trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng để xây dựng tỉnh Lào Cai là tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Nguyễn Hữu Long - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập