Sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
Lượt xem: 589

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay hơn 9 thập kỷ, nhưng luôn khẳng định vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường vẻ vang của dân tộc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong từng giai đoạn, mỗi thời kỳ, Đảng ta đều có những chủ trương, giải pháp lớn xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Đặc biệt, cách đây hơn 13 năm, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 20/NQ- TW ngày 20/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nghị quyết khẳng định, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ là cơ hội để thực hiện tốt những giá trị tiến bộ cho người lao động, góp phần tăng cường lòng tin của người lao động vào Đảng, Nhà nước, là cơ sở để ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các học viên lớp tập huấn Kim Tuyến (LĐLĐ tỉnh)

Tuy nhiên, trước yêu cầu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nhất là có sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra cho Công đoàn Việt Nam trước những khó khăn thách thức cần vượt qua, đó là việc tổ chức thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động do thực tế việc thực thi các quyền và lợi ích của người lao động tại nhiều doanh nghiệp không như kỳ vọng; là thách thức đổi mới tư duy hướng đến tính thiết thực trong hoạt động của tổ chức Công đoàn là thực hiện đầy đủ chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; khó khăn trong việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng khó khăn; việc thực hiện cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, gắn với thực hiện tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách để đem lại hiệu lực, hiệu quả đó là vấn đề lớn đặt ra cho tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Công đoàn Việt Nam cũng đang đứng trước những áp lực lớn bởi hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia (hoặc không tham gia) vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong thời gian tới, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Đây là một thay đổi quan trọng đối với nhận thức của người lao động, của đoàn viên và nhất là của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Bên cạnh đó, thực trạng cho thấy một bộ phận cán bộ công đoàn chưa chuyên nghiệp, trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế; một số cán bộ công đoàn hạn chế về lý luận, về nghiệp vụ công tác công đoàn, thiếu kỹ năng tham mưu, tuyên truyền, tổ chức và hoạt động vì vậy hiệu quả chưa cao trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; việc tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; việc tổ chức, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và người lao động; tổ chức các phong trào thi đua và phối hợp với chính quyền và thực hiện quy chế, tham gia quản lý, giám sát các hoạt động của chính quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; thiếu đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn hoạt động công đoàn ở cơ sở và nhất là ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; phần lớn cán bộ công đoàn các cấp hiện nay làm việc như cán bộ hành chính, công tác tuyển dụng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nặng về bằng cấp, thiếu các kỹ năng cơ bản, kỹ năng thực tiễn của người cán bộ công đoàn … Mặt khác, cán bộ công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm và nhất là ở doanh nghiệp, đó đều là những người có trách nhiệm nên thường được cấp ủy, chính quyền bố trí làm nhiều nhiệm vụ chuyên môn, vì vậy rất khó khăn trong việc bố trí thời gian học tập, bồi dưỡng, tập huấn để trau dồi nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn; cán bộ CĐCS lại thường xuyên biến động, kiến thức về chính sách, pháp luật và kỹ năng hoạt động công đoàn còn hạn chế, nhiều cán bộ thực hiện do nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giới thiệu để đoàn viên bầu, chưa thực sự nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động công đoàn, chưa thực sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; khả năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng, đối thoại, kỹ năng tổ chức các hoạt động còn chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương miền núi biên giới, hải đảo giao thông đi lại khó khăn, vì vậy khó có thể tập hợp để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tập trung.…vì vậy việc tập hợp, thu hút đoàn viên và người lao động tham gia các hoạt động còn hạn chế.
Vấn đề quyết định sự phát triển của Công đoàn Việt Nam là đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc’’, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; qua thực tiễn cho thấy ở nơi nào có cán bộ công đoàn vừa có tâm, vừa đủ tầm, tràn đầy nhiệt huyết với công việc thì hoạt động công đoàn ở đó sẽ hiệu quả, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động sẽ được bảo vệ tích cực. Có thể nói, cán bộ CĐCS có vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động và sự ổn định, phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị; kết quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn luôn gắn liền với năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ công đoàn ở cơ sở. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn và xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Vì vậy việc “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” là việc làm có vai trò quyết định; Mặt khác cần phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của cán bộ các cấp với phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới cần tập trung nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp để được nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ công đoàn “Đây là yếu tố có tính chất sống còn, quyết định sự phát triển và hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Trước yêu cầu trong giai đoạn mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp và hoạt động công đoàn phải đổi mới tư duy. Công đoàn là một đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị nước ta, nhưng đó là đoàn thể có nhiều đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, về thu - chi tài chính, về tham gia các quan hệ pháp luật, về tính quốc tế và tính pháp lý rộng rãi. Hoạt động công đoàn là hoạt động đoàn thể nhưng nội dung chủ yếu do pháp luật quy định, yêu cầu cao về tính thiết thực, hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào nhiều chủ thể.
Hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, bảo vệ được người lao động trong quan hệ lao động, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ. 
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến ở một trong những khâu quan trọng hiện nay ở cơ sở là cán bộ công đoàn, trong đó tập trung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành CĐCS, tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ quan trọng, vừa khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng được xem là khâu đột phá nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023 cũng như cho sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, công đoàn các cấp cần tham mưu với cấp ủy về đổi mới công tác quản lý cán bộ công đoàn, công tác tham mưu, phối hợp giữa cấp ủy và công đoàn trong lãnh đạo công tác cán bộ công đoàn. Nâng cao chất lượng các khâu trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng. Đổi mới căn bản nội dung và phương thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tập trung đào tạo theo chức danh, nhiệm vụ, theo vị trí việc làm; nội dung phải sát hợp, hiện đại, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế... Đặc biệt coi trọng các phẩm chất hàng đầu của cán bộ công đoàn là: “bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, gắn bó với cơ sở, gần gũi với công nhân lao động và yêu nghề”.
Trước những yêu cầu mới, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cũng cần đổi mới mạnh mẽ trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của số đông người lao động và phù hợp với từng loại hình công đoàn. Với công đoàn khu vực hành chính, sự nghiệp, tập trung nâng cao trình độ đội ngũ, ý thức công vụ, phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đoàn viên; với công đoàn các doanh nghiệp, tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại, mang lại phúc lợi và lợi ích thiết thực cho người lao động, phát động các phong trào nâng cao năng suất, lao động sáng tạo, bảo vệ người lao động khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động và đình công. Cần đổi mới quan hệ giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên theo hướng đoàn viên là người được chăm lo, phục vụ, cán bộ công đoàn có sứ mệnh chăm lo, phục vụ đoàn viên. Công đoàn cấp trên phục vụ, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của công đoàn cấp dưới.
Trong bối cảnh mới, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở phải được các cấp công đoàn coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Cùng với việc rà soát, đánh giá tình hình doanh nghiệp, CNVCLĐ trên địa bàn, cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo ở công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển đoàn viên, thành cập công đoàn cơ sở. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, đề xuất các giải pháp trong phối hợp với chính quyền. Tập trung trước hết cho các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, có nhu cầu chăm lo, bảo vệ quyền lợi, những doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động thiện chí với công đoàn. Song song với việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, cần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, tập trung cho công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật để thích ứng với tình hình mới. Trước hết đầu tư nghiên cứu các chế định pháp luật lao động, công đoàn có liên quan, nghiên cứu các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, chỉ rõ những yêu cầu mới, những vấn đề cần điều chỉnh, phục vụ việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, đồng thời xây dựng kế hoạch, chiến lược nhằm ứng phó với những nội dung phát sinh khi Việt Nam triển khai các nội dung của CPTPP và EVFTA có liên quan đến người lao động và Công đoàn, đặc biệt là việc người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn hiện nay. Công đoàn cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và những đề xuất xác đáng trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ người lao động về việc làm trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả để tăng cường, phát huy các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Trong giai đoạn mới nếu tổ chức Công đoàn các cấp chủ động làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp thì nhất định sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn phát triển, xứng đáng là niềm tin, là chỗ dựa tin cậy của người lao động./.

 
Nguyễn Hữu Long, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập