Các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai phát huy vai trò trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Xác định việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (gọi tắt là Quy định) đã tạo ra cơ chế và những định hướng cụ thể để Công đoàn tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời là cơ sở chính trị quan trọng cho công tác này được thực hiện một cách hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã xây dựng công đoàn vững về tổ chức, mạnh về phong trào, từng bước khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 70.000 CNVCLĐ, trong đó số CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức công đoàn do LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý là 45.580 người.
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ chuyên trách công đoàn và CNVCLĐ thuộc LĐLĐ tỉnh Lào Cai; chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục triển khai quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đối với người lao động, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nội dung tiếp xúc trực tiếp với CNVCLĐ theo định kỳ và theo từng nội dung cụ thể về chủ trương đường lối của Đảng, cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tham vấn, thu thập ý kiến đóng góp của đoàn viên về các chủ trương chính sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân trước khi các cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành. Nghe ý kiến của CNVCLĐ phản ánh về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền địa phương, hoạt động của các tổ chức đoàn thể; đạo đức, lối sống thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hằng năm số CĐCS tổ chức việc đối thoại đạt từ 80% trở lên.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Lào Cai
Các cấp công đoàn đã phối hợp với chuyên môn, chính quyền sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo; phối hợp kịp thời, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung tham gia ý kiến gắn trực tiếp với các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh và hướng đến những vấn đề mà đông đảo đoàn viên quan tâm. Qua đó, kịp thời điều chỉnh những quy định không phù hợp, đảm bảo phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Theo dõi kịp thời tổng hợp tình hình diễn biến tư tưởng của CNVCLĐ, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; khi có tình hình phức tạp xẩy ra LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Một trong những nội dung có tính chất quan trọng trong hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền đó là việc tổ chức tuyên truyền, triển khai, quán triệt đến các cấp công đoàn và toàn thể các bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ nội dung Quy định về việc tổ chức Công đoàn Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp công đoàn góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, cổ vũ hành động của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Trong 10 năm qua đã tuyên truyền được trên 20.990 buổi thu hút trên 600.700 lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia.
Cùng với đó, các cấp công đoàn trong tỉnh góp ý vào các dự thảo văn bản và việc thể chế hoá các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận... của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi kỳ đại hội. Việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng. Mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với CNVCLĐ. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham mưu tổng hợp ý kiến kiến nghị, đề xuất của CNLĐ báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, MTTQ tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tham gia góp ý các kế hoạch, chủ trương, quy chế phối hợp UBND tỉnh và các cơ quan chức năng và tham gia góp ý về công tác lãnh đạo của của cấp ủy, chính quyền đồng cấp; việc chính quyền kiểm tra, xử lý, giải quyết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với BTV LĐLĐ tỉnh năm 2021
Hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của tổ chức công đoàn còn được thực hiện thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 83 cuộc tiếp xúc, đối thoại, với 9.184 lượt người tham gia, tiếp nhận 1.353 ý kiến, kiến nghị, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở.
Nhận thức công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, CNVCLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những năm qua các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, CNVCLĐ. Từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai giới thiệu được 19.320 đoàn viên công đoàn ưu tú tham gia học lớp đối tượng Đảng, có 13.126 đồng chí được kết nạp Đảng.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của công đoàn không chỉ để tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh mà còn thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, làm cho quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng sâu sắc và mật thiết hơn.