Các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai tập trung triển khai “Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2020
Tháng Công nhân năm 2020 được phát động vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2020); kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc trong công nhân, viên chức, lao động lần thứ X. Với mục đích tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 01/5, về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đối với quá trình cách mạng của dân tộc; qua đó tiếp tục phát huy niềm tự hào, khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh ban hành hướng dẫn triển khai các hoạt động “Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai với chủ đề hoạt động năm 2020: “Năng suất cao, thu nhập tốt, đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh không tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Các cấp công đoàn đủ điều kiện, tiếp tục thực hiện “Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2020 theo chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”; các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, triển khai thực hiện “Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2020 theo chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”. Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, thị xã; công đoàn ngành và tương đương chỉ đạo các CĐCS căn cứ tình hình thực tế để triển khai một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Ða dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng sử dụng hình thức tuyên truyền cổ động, trực quan. Phối hợp có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trang thông tin điện tử (Webside, Facebook) của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Công đoàn các cấp để tuyên truyền các hoạt động “Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2020 với các hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
2. Nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ để kịp thời định hướng dư luận, giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động CNLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
3. Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNLĐ tại các doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; thực hành tiết kiệm, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành cạnh tranh với mục tiêu “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
4. Các cấp công đoàn phối hợp với các đối tác đã ký kết với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai đem lại các lợi ích thiết thực đến đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; chủ động tìm kiếm ký kết với các đối tác mới, với mục tiêu “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn và người lao động”.
5. Tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của CNVCLĐ, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, CNVCLĐ.
6. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, thực hiện lương tối thiểu vùng và các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, Luật ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ ...; tham gia quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho CNVCLĐ, giám sát việc cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ.
7. Công đoàn cơ sở phối hợp với Giám đốc, chủ sử dụng lao động tại doanh nghiệp rà soát lại các phương án phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng cháy, chữa cháy; kế hoạch huấn luyện và tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, PCCN; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ; giúp nhân dân làm đường, tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh làm sạch môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp ...
8. Rà soát Thỏa ước lao động tập thể và đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”; nâng giá trị bữa ăn ca của công nhân lao động từ 20.000 đồng trở lên.
9. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ làm nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ...
Các công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường nắm bắt, chỉ đạo các cơ sở trực thuộc và báo cáo kết quả về Liên đoàn Lao động tỉnh (qua Ban Tuyên giáo và Nữ công) để tổng hợp báo cáo Tổng Liên đoàn theo quy định./.