Được nhận vào làm việc và ký hợp đồng lao động lâu dài với một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố, chị Trần Thị Hằng (thị trấn Bát Xát, Bát Xát) rất vui mừng, hy vọng có công việc, thu nhập ổn định và được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định. Sau hơn 1 năm làm việc, chị chưa nhận được Bảo hiểm y tế cũng như thông tin về việc đóng Bảo hiểm xã hội. Chị tìm hiểu và được biết đơn vị chưa thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động như trong nội dung cam kết hợp đồng lao động. Chị đã liên hệ với Văn phòng tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) để trao đổi và được tư vấn viên giải thích rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thực hiện đóng, nộp bảo hiểm. Tư vấn viên pháp luật cũng hướng dẫn, trợ giúp chị cách thức để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Với việc thực hiện đúng, đầy đủ các bước theo hướng dẫn, chị Hằng đã “đòi” được quyền lợi hợp pháp từ phía chủ sử dụng lao động trong đóng, nộp bảo hiểm cho người lao động.

LĐLĐ tỉnh phối hợp BHXH tỉnh tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật cho cán bộ công đoàn và người lao động tại LĐLĐ huyện Bắc Hà
Trường hợp của chị Hằng là ví dụ cho thấy đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến việc làm, lao động. Đó cũng là kết quả của việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà các cấp công đoàn đã tích cực triển khai, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã quan tâm kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả tủ, ngăn sách pháp luật. Các cấp công đoàn quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của người lao động và dư luận xã hội, nhất là công nhân lao động trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hiện, tỉnh Lào Cai có 26 báo cáo viên công đoàn là cán bộ cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp. Ngoài ra, các công đoàn cấp trên cơ sở đã kiện toàn, củng cố 1.236 tuyên tuyên truyền viên pháp luật phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thực hiện theo đợt, theo từng chuyên đề. Trong năm 2020, các cấp công đoàn đã phát trên 10.000 sổ tay, tờ rơi, tờ gấp về quyền cơ bản của người lao động trong quan hệ lao động theo Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành kể từ năm 2021. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền, tuyên truyền pháp luật lồng ghép được 1.759 buổi cho hơn 46.000 lượt đoàn viên, lao động tham gia.
Các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tuyên truyền, triển khai chính sách pháp luật đến với người lao động, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Công đoàn cơ sở cũng tăng cường nêu gương doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động, cá nhân tiêu biểu trong chấp hành nghĩa vụ của người lao động. Các đơn vị căn cứ nội dung kế hoạch tuyên truyền pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để xác định nội dung trọng tâm, cần thiết với hình thức phù hợp để phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt, những văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành nhưng một bộ phận người lao động còn chưa nắm chắc, cán bộ công đoàn các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nhiều lần, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau gắn với đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho lao động. Hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng được thực hiện linh hoạt, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt, hoạt động của tổ chức công đoàn. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã xây dựng được 1.225 tủ sách, ngăn sách, túi sách và giỏ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, giúp lao động chủ động tìm hiểu kiến thức pháp luật cần thiết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động đã góp phần tạo được sự chuyển biến rõ ràng về hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp của người lao động cũng như tác động theo hướng tích cực đến chủ sử dụng lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.