28/11/2019
Nhiều kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 276
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt những quy định của pháp luật lao động, tạo việc làm ổn định, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật lao động như: Ký kết hợp đồng lao động, trả lương, phụ cấp, tham gia bảo hiểm không đúng quy định, chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động chưa đảm bảo…. gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức và lao động. Nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình hình cũng như thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các đơn vị doanh nghiệp, trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Trong 5 năm qua, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/1013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chú trọng, tập trung quán triệt, triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức nắm tình hình đời sống, lao động, việc làm và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo sự phối hợp, thống nhất chương trình hành động giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện đề án theo hệ thống tổ chức Mặt trận, các đoàn thể từ tỉnh đến cở sở, xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội gắn với việc thực hiện Đề án số 15 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của UBMT và các đoàn thể CT-XH tỉnh Lào Cai”.
Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, phối hợp thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật lao động về: Tiền lương, hợp đồng lao động, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác an toàn vệ sinh lao động; đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; công tác thi đua khen thưởng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm… Kết quả trong 5 năm qua LĐLĐ tỉnh đã giám sát được 03 cuộc tại 9 đơn vị; công đoàn cấp trên cơ sở tham gia chủ trì giám sát 42 cuộc, tham gia phối hợp giám sát 101 cuộc. LĐLĐ tỉnh phối hợp giám sát với MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp 05 cuộc. Qua giám sát, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật lao động, phù hợp tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức và lao động.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được các cấp công đoàn tổ chức thực hiện tốt thông qua hình thức góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo luật pháp, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương lớn của địa phương… Các cấp Công đoàn đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… Đặc biệt, một số ý kiến về vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn được cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa vào văn bản chính thức. Kết quả trong 5 năm qua các cấp công đoàn đã tham gia phản biện vào những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của CNVCLĐ với tổng số 195 văn bản; LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 18 cuộc tiếp xúc đối thoại với đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động; Công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức 16 cuộc tiếp xúc đối thoại với đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động.
Các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt công đoàn để tham gia góp ý trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác tiếp đoàn viên và người lao động, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với CNVCLĐ... Các cấp công đoàn đã tổ chức góp ý với tổ chức đảng, cơ quan nhà nước vào các văn bản dự thảo và việc thể chế hoá các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận... của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Góp ý với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Phát triển Đảng trong đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, CNVCLĐ. Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp công đoàn tích cực tham gia công tác phát triển đảng, đã giới thiệu 9.859 ĐV và CNVCLĐ ưu tú cho cấp ủy bồi dưỡng, có 6.712 đoàn viên và CNVCLĐ được kết nạp đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển tổ chức thực hiện cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội ở một số Công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội, chưa chủ động tổ chức thực hiện, đánh giá sâu về kết quả thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của đoàn viên, hoạt động giám sát chưa thực sự chủ động, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; đơn vị lựa chọn nội dung giám sát, đối thoại còn chưa phù hợp tình hình thực tế ở ngành, địa phương. Một số văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hoặc chưa sát với thực tiễn; việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền…
Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với các cấp công đoàn toàn tỉnh. Góp phần nâng cao và làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với CNVCLĐ. Qua đó CNVCLĐ nhận thức được trách nhiệm, xác định rõ hơn về chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, chính quyền của tổ chức công đoàn. Thông qua việc tổ chức giám sát, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp ở cơ sở đã phát huy được tinh thân dân chủ, vai trò, trí tuệ, năng động, sáng tạo của CNVCLĐ; giúp cho BTV, BCH công đoàn các cấp trực tiếp lắng nghe ý kiến kiến nghị, đề xuất, tâm tư nguyên vọng của CNVCLĐ, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để trực tiếp giải quyết, tháo gỡ. Tạo cho CNVCLĐ yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, tăng cường đoàn kết, gắn bó, sự hiểu biết giữa tổ chức công đoàn với CNLĐ, giữa CNLĐ với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tạo niềm tin vào tổ chức công đoàn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hạn chế được tranh chấp lao động, khiếu nại vượt cấp, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.


Tác giả: Đồng Hồng - LĐLĐ tỉnh Lào Cai
|