34 năm công tác trong Ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai - luôn được biết đến là tấm gương nhà giáo tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm với nghề. Năm 2020, thầy là một trong 3 nhà giáo của Lào Cai đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu NHÀ GIÁO ƯU TÚ.

Sinh ra, lớn lên, di chuyển địa điểm sinh sống và làm việc ở nhiều nơi của Lào Cai; gắn bó trọn vẹn với Lào Cai nên thầy Nguyễn Thế Dũng có rất nhiều trải nghiệm với chính mảnh đất quê hương mình. Từ Sa Pa khắc nghiệt, thử thách đối với cuộc sống con người đến thị xã Cam Đường (nay là thành phố Lào Cai) trước năm 1979; chiến tranh xảy ra, thầy theo cha mẹ di chuyển về Bảo Thắng rồi sau đó đi làm thêm một khoảng thời gian gắn bó với huyện Văn Bàn. Những năm tháng đó đã ghi lại trong ký ức tuổi trẻ của thầy ở những mảnh đất này rất nhiều dấu ấn và kỷ niệm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cả cha, mẹ đều là nhà giáo. Có lẽ, tình yêu đối với bảng đen phấn trắng, cốt cách của nhà sư phạm đã có sự ảnh hưởng để chàng thanh niên 18 tuổi quyết định trở thành sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm. Một sự lựa chọn rất khó lý giải trong những năm tháng bao cấp nên sau này, có đôi lần chúng tôi hỏi thầy về sự lựa chọn ấy, thầy bảo: hơn 30 năm gắn bó với nghề, đến giờ nhìn lại chưa một lần thầy thấy ân hận về quyết định của mình; bởi vì, trở thành thầy giáo dạy Lịch sử và cống hiến cho chính quê hương mình là điều không phải ai cũng có thể thực hiện được. Có lẽ, đó cũng là một phần lý do để chúng tôi trân quý con người thầy.
Làm giáo viên, làm công tác đoàn, làm cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều môi trường khác nhau nhưng đọng lại nhiều nhất, xúc động nhất trong những câu chuyện của thầy chính là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa ở vùng sâu, vùng xa, gắn bó với học trò vùng dân tộc thiểu số và đồng bào địa phương. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, về nhận công tác tại Trường THPT Văn Bàn và gắn bó với nơi này 3 năm. Khoảng thời gian đầu tiên trong cuộc đời nhà giáo ở miền đất mà cái gì cũng không có đã trở thành những trải nghiệm tuyệt vời và hun đúc nên con người tận tụy, hy sinh, đầy tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo ở người thầy giáo trẻ. Không có đồ dùng dạy học thì tìm tòi để tự làm, dùng kiến thức chuyên môn sâu để chinh phục học sinh và khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm, của người Phó Bí thư BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1988, chấp hành sự phân công điều động của tổ chức, thầy đến công tác tại Trường THPT Bảo Thắng, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn viên xung kích, luôn nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, đề xuất các giải pháp quản lý, giáo dục đạo đức học sinh, tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Năm 1991, khi tỉnh Lào Cai mới chia tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trường PTDTNT tỉnh mới thành lập, là đơn vị đầu tiên trở lại thị xã Lào Cai bị tàn phá do chiến tranh biên giới với muôn vàn khó khăn về đội ngũ, về điều kiện cơ sở vật chất, về tuyển sinh… Trước yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh, một lần nữa, thầy đã tình nguyện xung phong lên công tác tại ngôi trường này. Bản thân là người dân tộc thiểu số, công tác trong môi trường giáo dục dành cho học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh, cùng với kinh nghiệm giáo dục trong những năm trước đây, thầy nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, phát huy sở trường sư phạm, gần gũi nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng của từng học sinh. Là tổ trưởng chuyên môn, thư ký Hội đồng giáo dục nhà trường, cốt cán chuyên môn Lịch sử của Ngành, thầy đã sử dụng lợi thế năng lực của mình để hướng dẫn, giúp đỡ nhiều giáo viên hoàn thành tốt thời gian tập sự, nâng cao chất lượng giảng dạy và trở thành giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh, nhiều người trong số đó đã tiếp nối thầy cống hiến cho chuyên môn của Ngành Giáo dục.
Từ năm 2004, thầy được điều động bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán công số 1 Lào Cai (nay là Trường THPT số 3 thành phố Lào Cai); đến tháng 9/2007 được điều động bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng rồi sau đó là Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai và từ năm 2013 đến nay, thầy đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục Lào Cai khóa VI, nhiệm kỳ 2017- 2022. Ở bất kỳ môi trường nào, thầy đều cùng với đồng nghiệp của mình và tập thể lãnh đạo cống hiến rất nhiều thành tích cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Đối với Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, thầy luôn quan tâm lãnh chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức đoàn thể trong nhà trường phát huy được vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, Công đoàn nhà trường luôn đạt tập thể “vững mạnh xuất sắc” được tặng nhiều bằng khen, Cờ thi đua toàn diện của LĐLĐ tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam, những thành tích đó còn thể hiện ở việc xây dựng nên một tập thể đoàn kết, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chất lượng giáo dục đạo đức, học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiến tiến đạt trên 60%, thi tốt THPT nhiều năm liền đỗ 100%; công tác quản lý nội trú nền nếp, phát huy ý thức tự quản của học sinh, cảnh quan nhà trường luôn “xanh, sạch, đẹp”; nhà trường đạt chuẩn Quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2012 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và trở thành trường có chất lượng giáo dục trong tốp đầu của hệ thống các trường trung học của tỉnh. Đối với Sở GD&ĐT, thành tích đó thể hiện ở việc thầy lãnh đạo các phòng ban chuyên môn trong nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong đó có Phòng Giáo dục Trung học; Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Phòng Giáo dục đại học và Giáo dục thường xuyên, Phòng Tiểu học, Phòng KHTC- những lĩnh vực quan trọng để góp sức làm nên chuyển biến về chất lượng giáo dục, đào tạo của Ngành Giáo dục; góp sức để Sở GD&ĐT Lào Cai trong nhiều năm đạt danh hiệu thi đua xuất sắc, được tặng cờ thi đua và Bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Nhìn lại chặng đường 35 năm công tác của thầy, có thể thấy rằng, nhà giáo ấy khi đứng trên bục giảng thì không chỉ thành công trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (có 4 học sinh được thầy bồi dưỡng đã đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia) mà còn có biệt tài “cảm hóa” học sinh theo cách riêng của mình. Trong nhiều chuyến công tác cùng thầy, chúng tôi đã có dịp được gặp lại nhiều học trò trong số đó, nay đều đã thành công trong việc, trưởng thành trong cuộc sống và vô cùng kính trọng thầy dạy của mình. Khi làm cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ công đoàn, thầy đều là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho đồng nghiệp bởi sự tư vấn, định hướng, dẫn dắt đúng đắn và quyết đoán trước những việc phải lựa chọn, ra quyết định. Và hơn hết, ở thầy, còn có sự gần gũi, quan tâm sâu sắc đến mọi người xung quanh và lối sống, nếp nghĩ giản dị mà ít ai có được. Tất cả những điều đó làm nên điều đặc biệt ở thầy, làm nên cốt cách và bản lĩnh của nhà giáo Lào Cai trong thời đại mới./.