Khẳng định vai trò của các cấp Công đoàn Viên chức tỉnh trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), thời gian qua các cấp Công đoàn Viên chức tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật mới về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động... Tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai tuyên truyền trên các trang Facebook, fanpage, zalo của cơ quan, đơn vị, công đoàn cơ sở.
Song song với đó, Công đoàn Viên chức tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động tham gia, phối hợp với thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã trở thành diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của CBCCVC và vai trò đại diện của công đoàn cơ sở trong việc tham gia với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch công tác, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVC; hoàn thiện các quy chế nội bộ. Việc tổ chức hội nghị CBCCVC và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Trong năm 2023 có 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2024
Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị được công đoàn cơ sở thường xuyên chú trọng và củng cố. Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nghị quyết Hội nghị CBCCVC, thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,... góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CBCCVC ở cơ quan, đơn vị.
Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị công chức, viên chức năm 2024
Năm 2023, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với gần 100 cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại, các đồng chí cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ đại diện cho 4.431 CNVCLĐ của 56 Công đoàn cơ sở trực thuộc đã trực tiếp bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng và nêu kiến nghị, đề xuất với Công đoàn Viên chức tỉnh. Với 22 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các vấn đề về điều kiện làm việc, chế độ chính sách đối với cán bộ, đoàn viên công đoàn, thiết chế văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho đội ngũ CNVCLĐ… Các kiến nghị, đề xuất đã được lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo Công đoàn Viên chức tỉnh trả lời, giải đáp ngay tại hội nghị, đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
Đại biểu thuộc CĐCS trường Chính trị tỉnh Lào Cai tham gia ý kiến, kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại năm 2023
Các cấp Công đoàn Viên chức tỉnh đã tích cực thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời nắm bắt tình hình về việc làm, thu nhập, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của CNVCLĐ lên công đoàn cấp trên. Tổ chức lấy ý kiến tham gia văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, góp ý vào các dự thảo Luật nhằm đóng góp ý kiến những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. Tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chính sách, chế độ, quy định có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; duy trì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nâng cao thu nhập cho CNVCLĐ, chăm lo thực hiện cải thiện bếp ăn tập thể, sân luyện tập thể thao...

Quang cảnh hội nghị tiếp xúc, đối thoại năm 2023
Để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn Viên chức tỉnh cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là: Chú trọng xây dựng ý thức dân chủ, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở, phải tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền và cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của CNVCLĐ về dân chủ, khi hiểu rõ giá trị của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, họ sẽ tích cực tham gia.
Hai là: Tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ công đoàn, bởi lẽ cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ tại cơ sở. Cần tăng cường đào tạo, tập huấn đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán, đồng thời đảm bảo kiến thức pháp luật lao động và quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở để cán bộ công đoàn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi của CNVCLĐ.
Ba là: Nâng cao chất lượng hội nghị CBCCVC, công đoàn cơ sở có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị CBCCVC. Các công đoàn cơ sở phải nắm chắc quy trình hội nghị để có thể phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức tốt hội nghị CBCCVC. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chủ động trong việc chuẩn bị nội dung, bố trí thời gian và phối hợp với chủ tịch công đoàn cơ sở chỉ đạo hội nghị CBCCVC theo quy định.
Bốn là: Khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Trước hết cần lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được CNVCLĐ tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Các thành viên tham gia Ban thanh tra nhân dân phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định. Muốn vậy, hàng năm có kế hoạch và tổ chức các cuộc tập huấn cho cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực, trình độ và hiểu biết pháp luật.
Có thể nói, việc nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện một cách quyết liệt. Chỉ khi có sự hỗ trợ, đồng thuận và chủ động trong việc thúc đẩy thực hiện dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ ở cơ sở thì tổ chức công đoàn mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh kinh tế và xã hội đang chuyển đổi không ngừng để góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường lao động chất lượng cao và tiến bộ, tạo đà cho sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước.