NHỮNG TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO VƯỢT KHÓ NƠI VÙNG CAO NGÀNH GIÁO DỤC TỈNH LÀO CAI
Lượt xem: 2277

Trong những năm qua, giáo dục vùng cao Lào Cai đã có nhiều thay đổi đáng kể, trường lớp khang trang, chất lượng toàn diện và chất lượng mũi nhọn từng bước được nâng lên; có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; cuộc thi khoa học kỹ thuật đứng tốp đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; nhiều học sinh giành được nhận học bổng của các trường Đại học Hoa Kỳ, Úc, Nhật,...  và của các nước danh tiếng trên thế giới. Có được thay đổi đó là sự đóng góp nỗ lực của từng cán bộ, giáo viên đã luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, bám trường bám lớp. Một số thầy cô con còn nhỏ, một số nhà ở xa trường, đi lại vất vả, kinh tế gia đình còn khó khăn; có những đồng chí công tác ở xa gia đình phải gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc…Trong cùng một đơn vị mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, ai cũng có khó khăn riêng nhất định. Tuy nhiên, các thầy cô giáo với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ đã không quản ngại khó khăn, vất vả vượt lên trên tất cả là mong muốn được cống hiến cho giáo dục vùng cao với tình thần tất cả vì học sinh thân yêu. Trên mỗi tuyến đường thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao đều có các điểm trường, mọi người không còn xa lạ với hình ảnh những thầy cô giáo ngày đêm âm thầm, bền bỉ qua đèo dốc, vượt suối, băng rừng đến nhà học sinh để vận động học sinh đến trường, để hướng dẫn học bài, chăm sóc, dạy dỗ học sinh... 
Điển hình là Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh, gần 30 năm từ khi ra trường đến nay, cô luôn gắn bó với các cháu mầm non và bà con nhân dân thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng; 5 năm gần đây, tuy tuổi cao nhưng cô vẫn tình nguyện công tác ở điểm trường vùng cao Sảng Pả của thị trấn Phong Hải, nơi đây, đường lên thôn chỉ là lối mòn luồn lách qua rừng cây, khe đá, việc đi lại rất khó khăn, vì thế các hộ đồng bào Mông không muốn cho con đi học. Cô phải thường xuyên tới từng hộ dân tuyên truyền vận động cho con em ra lớp; tình nguyện đón 4 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về ở tại nhà mình, hàng ngày nuôi dạy, chăm sóc như con đẻ của mình. 
Cô giáo Hà Thị Bền quê Hồng Ca - Trấn Yên - Yên Bái. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 2010, cô xung phong lên công tác ở trường mầm non Y Tý (xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện Bát Xát 100km). Cô đã hy sinh tuổi xuân của mình, xa gia đình, người thân gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc để toàn tâm gắn bó với từng điểm trường thôn bản của mảnh đất Y Tý. Bằng sự nỗ lực của bản thân, người thuyền trưởng đã chèo lái con thuyền đi đến thành công cùng sự đoàn kết của sức mạnh tập thể, cô được nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp, Trường cô đạt trường chuẩn quốc gia và đạt tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh năm học 2018-2019.
Thầy giáo Thào A Giăng - giáo viên trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai: Năm 2016 mắc bệnh ung thư máu. Mỗi tháng một lần đi bệnh viện Huyết học truyền máu trung ương để lọc máu. Lương 2 vợ chồng chỉ đủ đi lọc máu hàng tháng. Không vì bệnh tật mà buông xuôi tất cả. Trước những khó khăn đó; bản thân thầy luôn cố gắng tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, làm nòng cốt về chuyên môn để giúp giáo viên trong trường cùng tiến bộ. Nâng cao chất lượng giảng dạy của mình, tạo được uy tín với chính quyền địa phương, với cha mẹ học sinh và bà con nhân dân, nhiều năm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công đoàn cở sở Trường PTDTBTTH Cốc Ly số 1 huyện Bắc Hà, từ năm 2012 đến nay, bản thân bị mắc bệnh ung thư từ năm 2018, chồng hay ốm đau bệnh tật, con còn nhỏ, gia đình rất khó khăn, xong cô vẫn luôn phấn đấu trong công tác. Với vai trò làm Chủ tịch công đoàn cở sở, chỉ đạo ĐVCĐ tích cực xây dựng khung cảnh trường lớp Xanh - sạch - đẹp. Động viên khuyến khích giáo viên tích cực tham gia các cuộc thi, các phòng trào thi đua do do ngành phát động… Nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LĐLĐ huyện khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua công nhân viên chức lao động và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. 
Cô giáo Trần Thị Thúy Hằng - Giáo viên trường MN xã Thào Chư Phìn huyện Si Ma Cai là trường vùng sâu của huyện đường đi rất khó khăn, phải thường xuyên đến nhà học sinh vận động ra lớp. Chồng không nghề nghiệp, con trai 3 tuổi bị khuyết tật, thường xuyên phải đi viện để phục hồi chức năng. Hiện nay chồng và con trai 3 tuổi ở Phú Thọ để tiện đi viện điều trị, cô và con trai 6 tuổi hiện đang ở Thào Chư Phìn. Gạt đi những giọt nước mắt, vượt qua mọi khó khăn cô đã hy sinh, tận tâm, tận lực với công việc, yêu thương, giúp đỡ học sinh, coi nhà trường là ngôi nhà thứ hai của mình, cô luôn được đồng nghiệp, quần chúng và nhân dân địa phương tin tưởng, học sinh yêu quí. Nhiều năm liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. .  
Cô Thào Thị Chà, dân tộc H’Mông, giáo viên trường Mầm non Bản Mế, huyện Si Ma Cai (huyện vùng cao, biên giới khó khăn). Nơi cô công tác là  một trong những xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện. Hàng ngày cô phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ vượt dốc mới lên tới điểm trường chính. Điểm trường cô dạy lớp học là nhà tranh vách nứa, dân cư thưa thớt lại ở xa điểm trường. Điều kiện kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình chính vì vậy mà học sinh vẫn còn hay nghỉ học. Cô đã đến tận nhà tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi tuyên truyền, vận động gia đình cho các em tiếp tục đến lớp. Cô luôn được đồng bào và học sinh nơi đây yêu quý. Đó chính là động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Còn rất nhiều những tấm gương thầy cô giáo ở khắp các thôn bản vùng cao của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các thầy cô đều tận tâm, tận lực với nghề, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, chống chọi với bệnh tật, hoàn cảnh, vượt qua khó khăn, gian khổ, xa gia đình, chồng con ...nhưng các thầy cô luôn hy sinh, phấn đấu hết mình, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để khẳng định mình và làm tròn trách nhiệm với nghề, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người của tỉnh Lào Cai.
Sự hy sinh của các cô đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận và tặng nhiều tấm giấy khen, bằng khen về thành tích giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua các cấp; nhưng quan trọng hơn cả, đó là sự quí mến, khâm phục, nể trọng của bạn bè đồng nghiệp, bà con nhân dân, cha mẹ học sinh, của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho các thầy cô./. 

 
Nguyễn Thị Tươi Phó Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục Lào Cai
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập