Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp được các cấp công đoàn trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XII); Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn tỉnh; quán triệt toàn bộ nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg đến cán bộ, đảng viên, người lao động để nhận thức đầy đủ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: để phù hợp với tình hình quan hệ lao động ngày càng phát triển, các cấp công đã đoàn tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động, chú trọng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tổ chức tốt đối thoại trực tiếp giữa hai phía trong quan hệ lao động, đa số thành viên đại diện tham gia đối thoại là cán bộ công đoàn có bản lĩnh, uy tín và khả năng đoàn kết tập hợp được người lao động trong đơn vị doanh nghiệp, có hiểu biết về pháp luật lao động và công đoàn, chế độ chính sách đối với người lao động, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, toàn tỉnh đã có 83% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đối thoại tổ chức đối thoại với các nội dung về tình hình sản xuất kinh doanh, việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các chế độ chính sách liên quan đến thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cam kết, thoả thuận khác. Nhiều đơn vị đã bầu ra được thành viên tham gia đối thoại và tổ chức đối thoại một cách bài bản đáp ứng được mong muốn của người lao động về việc làm, đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ khác của người lao động. Qua đó, đã giải quyết kịp thời những bức xúc, hạn chế lan truyền những thông tin lệch lạc và xây dựng được mối quan hệ lao động dựa trên sự hiểu biết, chia sẻ, tôn trọng, bình đẳng, hài hoà lợi ích. Nhờ đó tạo được môi trường làm việc đoàn kết, đồng thuận, ổn định việc làm, tăng trưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập, phúc lợi gia tăng, đáp ứng các yêu cầu về đánh giá khách hàng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời, vai trò, vị thế của Công đoàn trong quan hệ lao động cũng được nâng lên, tạo được niềm tin đối với cả người sử dụng lao động và người lao động.
Theo đồng chí Đinh Văn Thơ, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thực hiện Bộ luật Lao động và các quy định của Trung ương, UBND tỉnh Lào Cai đã ủy quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp. Hàng năm các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể. Nội dung thoả ước lao động tập thể bảo đảm theo quy định của pháp luật lao động và các bên thực hiện tốt nội dung thoả ước lao động tập thể đã ký kết, các chế độ về việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và các quyền lợi khác đối với người lao động có lợi hơn theo quy định của pháp luật lao động. Đến nay, đã có 83% công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trực thuộc đã ký được bản thỏa ước lao động tập thể; các doanh nghiệp, đơn vị còn lại đang trong quá trình thương lượng để điều chỉnh bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh định kỳ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động; hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện giám sát các nội dung liên quan đến thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai không xảy ra các vụ tranh chấp lao động hoặc đình công.

Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh tổ chức tư vấn cho người lao động
Bên cạnh đó, để công đoàn cơ sở thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động; thời gian qua Lào Cai đã tích cực phát triển đoàn viên, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức khảo sát, thống kê đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; tập trung tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành của người sử dụng lao động để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên. Kết quả, giai đoạn 2018 - 2021, toàn tỉnh đã phát triển được 30 công đoàn cơ sở, kết nạp mới trên 4.500 đoàn viên; tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ còn thấp so với số doanh nghiệp trong tỉnh.
Việc thành lập, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức đại diện người sử dụng lao động luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm. Theo đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai được thành lập từ năm 2002, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được thành lập năm 2010. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai thực hiện Bộ luật Lao động, đại diện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện các Quy chế phối hợp thực hiện chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ở địa phương vẫn còn một số tồn tại, đơn cử như tình trạng chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, nhất là về bảo hiểm, tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, trì hoãn, không tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền gia nhập, thành lập công đoàn; đoàn viên và người lao động ít có cơ hội tham gia và quyết định những vấn đề của công đoàn; người lao động không có thời gian để tham gia các hoạt động công đoàn...
Để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Hữu Long cho biết, tỉnh Lào Cai đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Công đoàn các cấp và các đơn vị liên quan trong tỉnh tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật lao động trong các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc giữa tập thể người lao động với chủ sử dụng lao động, giữa người lao động với Ban chấp hành công đoàn cơ sơ xây dựng mối quan hệ hài hoà trong doanh nghiệp.
Khuyến khích sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động vào cơ chế tham vấn, đối thoại ba bên giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động, người lao động trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động. Quan tâm, chú trọng hơn đến công tác Đảng, đoàn thể nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của công nhân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.