Tích cực nghiên cứu, nắm bắt rõ từng công đoạn sản xuất sẽ biết được những ưu, nhược điểm của thiết bị để đưa ra ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phù hợp nhằm hạn chế lỗi sản phẩm, làm lợi cho sản xuất. Đó là chia sẻ của Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1983, Cán bộ Phòng Cơ điện, Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai – Vimico.
Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh cùng với Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Chi nhánh tặng quà nhân Tháng Công nhân năm 2021
Tháng 8/2008, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh đã xin vào làm việc tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai đến nay. Với nhiệm vụ quản lý theo dõi hoạt động của dây chuyền thiết bị, trực tiếp tham gia giải quyết các sự cố về thiết bị tại các phân xưởng được giao. Thực hiện Kế hoạch sửa chữa các thiết bị và kế hoạch sử dụng vật tư phục vụ sửa chữa. Phối hợp với xưởng quản lý thiết bị được giao quản lý và xưởng sửa chữa thiết bị. Đánh giá vật tư phế thải tại các phân xưởng được giao quản lý phục vụ công tác thanh lý, gia công chế tạo tận dụng vật tư. Chủ động lên kế hoạch thu hồi vật tư, phế liệu hàng tháng, hàng kỳ. Kiểm tra, rà soát các bản vẽ gia công chế tạo, phục hồi thiết bị Cơ điện của toàn chi nhánh. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị của các Phân xưởng được giao quản lý. Phối hợp cùng các Phòng ban, Phân xưởng nghiệm thu và lập hồ sơ quyết toán theo quy định. Tham gia cùng các phòng ban, đơn vị nghiệm thu, đánh giá chất lượng các vật tư, nguyên nhiên liệu nhập kho chi nhánh. Tham gia soạn thảo các quy trình, nội quy, quy chế về công tác quản lý thiết bị các Phân xưởng.
Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai bắt đầu đi vào hoạt động năm 2007, do dây truyền sản xuất đã hoạt động được nhiều năm nên một số thiết bị đã xuống cấp chưa được thay thế kịp thời và đã làm ảnh hưởng năng suất chất lượng, sản lượng, thời gian hoạt động của dây truyền sản xuất, khối lượng công việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị ngày càng nhiều và khó khăn hơn. Chi nhánh luôn đề cao vai trò công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong giai đoạn các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Do tình hình thực tế của đơn vị, kỹ sư Cảnh đã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất, chỉ tiêu công nghệ, cải tiến thiết bị, thúc đẩy tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất và đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh
Những công việc Kỹ sư Cảnh đã được tiếp cận và làm quen với môi trường lao động của doanh nghiệp và những kiến thức học được trên ghế nhà trường về cơ khí chế tạo cộng với kinh nghiệm tích luỹ đã giúp cho anh Cảnh nhanh chóng làm tốt công việc, được doanh nghiệp tin tưởng chọn vào làm việc tại Phòng Cơ điện. Được sự quan tâm giúp đỡ tận tình, của Lãnh đạo phòng, Lãnh đạo Chi nhánh đã tạo điều kiện để bản thân hoàn thành tốt các công việc được giao.
Ông Đoàn Vũ Long, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết: Kỹ sư Cảnh còn trẻ nhưng rất năng nổ, nhiệt tình, có nhiều ý tưởng sáng kiến cải tiến trong công việc. Các sáng kiến của kỹ sư Cảnh giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạn chế hỏng các thiết bị trước đây nhiều năm chưa khắc phục được.
Sau 13 năm công tác với 10 sáng kiến, Kỹ sư Cảnh có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến lớn, nhỏ. Ý tưởng nhỏ thì được đánh giá áp dụng ngay; sáng kiến lớn thì được công ty xem xét, phân tích để đưa vào sản xuất. Có sáng kiến còn được Tổng Công ty Khoáng sản phân tích đánh giá, sau đó được áp dụng rộng rãi cả cả tập đoàn. Chẳng hạn như sáng kiến “Cải tiến cơ cấu vận chuyển tấm dương cực từ khuân đúc vào bể làm nguội trong quá trình đúc tấm dương cực”. Sáng kiến này đã khắc phục được 100% lỗi xảy ra trước đây mà không làm ảnh hưởng đến năng suất.
Do đâu mà Cảnh có được nhiều ý tưởng, sáng kiến tốt cho sản xuất đến thế. Kỹ sư Cảnh chia sẻ: Được làm việc đúng với năng lực, sở trường, tích cực tìm hiểu các thiết bị máy móc, cải tiến các công đoạn sản xuất cho phù hợp với lao động và có môi trường làm việc tốt đã thúc đẩy sáng tạo. Thêm nữa, mối quan hệ giữa các bộ phận sản xuất và với người lao động rất thân thiện; từng điểm ưu, nhược của công đoạn sản xuất đều được mọi người trao đổi, từ đó giúp tôi và đồng nghiệp đưa ra ý tưởng cải tiến sản xuất.
Không chỉ là một lao động vững tay nghề, kỹ sư Cảnh còn là một người nhiệt tình, năng động, được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo tin tưởng. Các phong trào thi đua do Công đoàn, Chi nhánh phát động Kỹ sư Cảnh đều tham gia nhiệt tình và đạt hiệu quả cao. Dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân vừa qua, cùng với Ban Chấp hành Công đoàn làm tốt việc chăm lo Tết cho công nhân lao động toàn công ty, cùng với Công đoàn chi nhánh, tổ Công đoàn đã thăm hỏi, trao quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo. Được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của Lãnh đạo phòng, Lãnh đạo Chi nhánh và các cấp đã tạo điều kiện để bản thân hoàn thành tốt các công việc được giao. Kỹ sư Cảnh luôn được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo tin tưởng.
Với những nỗ lực, đóng góp không ngừng, nhiều năm anh Cảnh đạt danh hiệu “Lao động giỏi”, “Chiến sỹ thi đua”. Điển hình tại năm 2011 anh Cảnh được vinh danh “Người thợ giỏi toàn quốc”. Năm 2016 được Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam vinh danh “Người thợ mỏ tiêu biểu”. Năm 2019 đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai. Năm 2020 được Tổng công ty Kháng sản-TKV tặng Giấy khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất giai đoạn 2015-2020” và đề nghị khen thưởng “chiến sỹ thi đua cấp tập đoàn” năm 2020