Nhắc đến nữ dân tộc Xa Phó tiêu biểu trong hệ thống Công đoàn Lào Cai làm khéo công tác dân vận, không ai là không biết đến là chị Má Thị Đa, sinh năm 1971, Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sa Pa.
Đồng chí Ngô Hữu Quý, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy trao giấy khen điển hình “Dân vận khéo” của Ban Dân vận tỉnh ủy cho đồng chí Má Thị Đa, Phó Chủ tịch, LĐLĐ Thị xã Sa Pa
Sinh ra và lớn lên tại xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, năm 1994 chị tốt nghiệp lớp Trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác phụ vận tại trường Phụ nữ Trung ương. Không dừng lại ở đây đến năm 2012 chị tiếp tục tốt nghiệp lớp cử nhân hành chính. Là người có duyên với công tác Dân vận, hơn 33 năm công tác, 15 năm tuổi Đảng chị đã qua rất nhiều công việc khác nhau cán bộ Hội LHPN thị xã Sa Pa; cán bộ UB MTTQ thị xã Sa Pa nhưng có lẽ bén duyên nhất vẫn là công tác tại LĐLĐ thị xã Sa Pa. Chị vốn là người địa phương nhưng rất khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục để các doanh ngoài nhà nước ra nhập vào tổ chức Công đoàn. Với sự chủ động và sáng tạo trong công việc, trách nhiệm, năng động, tận tụy, sâu sát cơ sở và luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi nhiệm vụ chị Đa đã có nhiều sáng kiến giúp LĐLĐ thị xã Sa Pa nhanh chóng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về thành lập và phát triển đoàn viên công đoàn do LĐLĐ tỉnh giao trong những năm qua. Luôn luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Bên cạnh đó chị còn có sáng kiến với nhiều giải pháp thiết thực được áp dụng thành công trong việc chăm lo khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nhất là việc khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ, năm 2020 và đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn làm mô hình điểm trong cả nước, được đăng trên sách Nữ công để các tỉnh khác học tập và làm theo.
Vượt khó khăn thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Với sự chủ động và sáng tạo trong công việc, tận tụy, sâu sát cơ sở lại có kinh nghiệm trong việc phối hợp nhịp nhàng với các ngành chức năng và thuyết phục các chủ doanh nghiệp tại thị xã. Chị đã đến từng doanh nghiệp không chỉ một lần mà nhiều lần thuyết phục các chủ doanh nghiệp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Đặc biệt thị xã Sa Pa thế mạnh về du lịch mấy năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tồn đọng... Tình hình dịch bệnh lượng khách du lịch rất ít, dẫn tới các cơ sở khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa hàng loạt, đời sống, việc làm của người lao động gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó chị đã có nhiều giải pháp cùng anh chị em trong cơ quan báo cáo Thường vụ huyện ủy tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người lao động, đặc biệt lao động nữ. Kết quả chị đã đề xuất, kiến nghị chủ sử dụng lao động, các cấp công đoàn hỗ trợ trên 2.500 lượt cán bộ, đoàn viên, người lao động khó khăn với số tiền trên 5 tỉ đồng chia sẻ, động viên người lao động vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, LĐLĐ thị xã, các công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền, lãnh đạo đơn vị hỗ trợ 650 xuất quà cho người lao động là dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Vận động chủ sử dụng lao động hỗ trợ làm 07 nhà Mái ấm mừng xuân với tổng giá trị 1.150.000 đ. Phối hợp với Ban quản lý quỹ “ Quỹ xã hội công đoàn Lào Cai” hỗ trợ bàn giao 01 nhà “ Mái ấm công đoàn” với kinh phí 15.000.000đ. Trong tháng công nhân, LĐLĐ thị xã đã thăm hỏi, hỗ trợ 35 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 17.5 triệu đồng.
Với phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn” chị đã triển khai hiệu quả Chương trình“Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, sắp xếp hệ thống tổ chức, nâng cao chât lượng đội ngũ cán bộ công đoàn giai đoạn 2018-2023”. Tích cực khảo sát nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công nhân lao động trên địa bàn, có kế hoạch tập trung tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS. Duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ với các CĐCS doanh nghiệp, chú trọng vận động phát triển đoàn viên ở những doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn nhưng có nhiều lao động chưa gia nhập tổ chức công đoàn. Nhờ thế, công tác phát triển tổ chức công đoàn ngoài Nhà nước thị xã phát triển rất tốt từ năm 2015 đến năm 2020 đã kết nạp được 1.352 đoàn viên, thành lập mới được 08 CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước. Được LĐLĐ tỉnh chọn là mô hình điển hình Dân vận khéo về: “ Tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thị xã Sa Pa. Được Ban Dân vận tỉnh ủy tặng Giấy khen trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và tổng kết, biểu dương mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Không chỉ dừng lại ở đây, trong năm 2019 chị Đa còn là tác giả của sáng kiến về “Nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài Quốc doanh trên địa bàn huyện Sa Pa”. Gồm 5 giải pháp đã làm thay đổi tư duy của các chủ doanh nghiệp trên địa bàn. Cũng nhờ có sáng kiến của chị mà trong năm 2022 khi dịch covid- 19 ổn định, thị xã Sa pa đã khởi động ngay công tác phát triển đoàn viên công đoàn và tính đến thời điểm hiện nay toàn thị xã Sa Pa đã phát triển được 122 công đoàn cơ sở với 3.920 đoàn viên, tăng 805 đoàn viên, đạt 100,6% chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao năm 2022. Trong đó có 20 CĐCS với 1.497 đoàn viên trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài Quốc doanh do Liên đoàn Lao động tỉnh giao. Song song với công tác phát triển đoàn viên chị còn tích cực gương mẫu thực hiện tốt các phong trào thi đua hàng năm gắn với các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, quê hương, đất nước trong các phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Chị đã phát động ủng hộ xây dựng nông thôn mới được 130 triệu đồng hỗ trợ xã Thanh Phú xóa 03 nhà tạm dột nát, giúp đỡ xã Mường Bo Liên Minh đạt chuẩn tiêu chí “ Nông thôn mới nâng cao”.
Nỗ lực hết mình chăm lo cho lao động nữ
Là lãnh đạo người dân tộc lại phụ trách công tác nữ công, chị luôn trăn trở, nghiên cứu các giải pháp tốt nhất để đảm bảo thực hiện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Trong năm 2000 chị đã nghiên cứu các quy định, Bộ luật; Nghị định 85/2015/CP của Chính phủ và Điều lệ Công đoàn Việt Nam… chị Đa đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành có đông người lao động như Phòng Giáo dục và Đào tạo; Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Thị ủy-HĐND&UBND thị xã; các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chị đã gặp gỡ từng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Ban giám đốc và chủ sử dụng lao động để trao đổi, tuyên truyền về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ. Song song với việc trao đổi thuyết phục chị Đa đã tham mưu soạn thảo công văn giúp Thường trực Thị ủy Sa Pa chỉ đạo về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thông qua đó, người lao động tại thị xã Sa Pa được quan tâm nhiều hơn trong năm 2000 toàn thị xã đã có 3.078/3.3.621 người được khám sức khỏe định kỳ, đạt 85%, trong đó riêng lao động nữ đã có 1.589/1.871 người, đạt trên 84%. Định mức khám sức khỏe mức thấp nhất là 291.000 đồng/người/lần khám, mức cao nhất trên 6 triệu đồng/người/ần khám. Riêng lao động nữ được chi trả kinh phí khám chuyên khoa phụ sản. Mô hình này đã được duy trì theo định kỳ năm. Đây là mô hình điểm đã được Tổng liên đoàn ghi nhận.
Với những nỗ lực không ngừng chị được Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận tặng Bằng khen liên tục nhiều năm liền đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; Liên đoàn Lao động thị xã Sa Pa được tặng Bằng khen, giấy khen của Ban Dân vận Tỉnh ủy trong điển hình mô hình “Dân vận khéo”.
Chị Má Thị Đa thực sự xứng đáng là tấm gương “Dân vận khéo” để mọi người học hỏi. Đúng như lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.