Cô giáo vùng cao Bắc Hà “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Lượt xem: 523

13 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ tại các trường vùng đặc biệt khó khăn cũng là khoảng thời gian cô giáo Dương Thị Huyền - sinh năm 1985, dân tộc Mông, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm Non Tả Van Chư (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà) luôn năng động, sáng tạo, say mê cống hiến, nhiệt huyết với công việc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.

Cô Dương Thị Huyền trong giờ lên lớp với trẻ Mầm non Tả Van Chư

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai khoa Mầm Non, cô Dương Thị Huyền trở về quê công tác và được phân công về giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Bản Già. Đây là một ngôi trường nằm ở xã vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà. Cũng giống như bao giáo viên trẻ khác khi mới ra trường, Huyền cũng gặp khá nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bởi đường giao thông đi lại, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có điện lưới Quốc gia, khí hậu vùng cao khắc nghiệt vào mùa đông… Song với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm say mê, tình yêu thương cháy bỏng với các trẻ mầm non vùng cao, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống; Huyền đã từng bước vượt qua tất cả, tận tâm cống hiến, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Sau hơn 2 năm gắn bó với ngôi trường vùng cao này, Huyền được phân công về giảng dạy tại trường Mầm Non Bản Phố; đây là ngôi trường vùng ven, nơi học tập của 100% con em đồng bào dân tộc Mông. Tại ngôi trường mới, Huyền tiếp tục không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, có nhiều sáng tạo, góp phần xây dựng thành công Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm học 2012- 2013 và trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục mầm non trên địa bàn huyện.
Với nhiều nỗ lực trong công tác và đóng góp cho sự phát triển giáo dục mầm non. Năm học 2016 – 2017, cô được phân công và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Mầm Non Tả Van Chư, một ngôi trường vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm huyện hơn 20km và còn khá nhiều khó khăn của huyện Bắc Hà. Ở một cương vị mới và ngôi trường mới, cô được phân công quản lý phụ trách chuyên môn chung, công tác mũi nhọn, các hội thi trong năm học và kiêm nhiệm thêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, Huyền không ngừng phấn đấu, học hỏi và có nhiều sáng kiến quan trọng được áp dụng hiệu quả trong quá trình hoạt động của nhà trường. Trong đó, nổi bật là sáng kiến về những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tạo hình cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi. Với những nỗ lực của bản thân cùng sự đoàn kết, trí tuệ của tập thể sư phạm nhà trường, đến nay, Mầm non Tả Van Chư đã có những khởi sắc mới và đang trên lộ trình phấn đấu trường đạt chuẩn Quốc gia trong năm học 2020 – 2021 này. Khung cảnh trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, an toàn; trẻ em trong nhà trường đã tự tin trong giao tiếp, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, từng bước trở thành điểm sáng trong hoạt động giáo dục của huyện nhà. Huyền chia sẻ: Để có được thành tích ấy là sự đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo của tập thể nhà trường, ngoài ra, với bản thân mình, cô luôn xác định cần phải liên tục học hỏi, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công tác.

Đoàn viên Công đoàn trường Mầm non Tả Van Chư làm khẩu trang vải phòng chống dịch Covid-19

Không chỉ xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò là chủ tịch Công đoàn nhà trường, Huyền đã nhiều cách làm hay, sáng tạo, gắn kết được các đoàn viên công đoàn giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tiêu biểu như: Huy động xây dựng quỹ cho đoàn viên vay không lấy lãi trong năm với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Làm tốt công tác tham mưu, phối hợp trong công tác dân vận xã hội hóa giáo dục và các phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo” “dạy tốt, học tốt”... Mặt khác, trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 có những diễn biến phức tạp, Huyền cùng tập thể đoàn viên công đoàn đã cùng nhau đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu và tự làm được gần 500 chiếc khẩu trang vải, 9 lọ rửa tay sát khuẩn phát cho giáo viên và học sinh để phòng chống dịch.
Theo ghi nhận của tập thể sư phạm nhà trường, Huyền có lối sống thân thiện, hòa nhã với đồng chí, đồng nghiệp, sống trung thực, lành mạnh, giản dị và sôi nổi trong tất cả các phong trào được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, quý mến. Chồng Huyền cũng công tác trong ngành giáo dục và ở một ngôi trường vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Mặc dù, 2 vợ chồng công tác cách xa nhau hơn 70km nhưng  cả 2 đều là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, bám lớp, bám trường, vươn lên trong cuộc sống. Gia đình Huyền cũng luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc. 
Ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của cô nhiều năm học qua Huyền luôn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt trong năm học 2018 - 2019, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vì những thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục vùng cao và là nữ cán bộ duy nhất của huyện Bắc Hà vinh dự được nhận Bằng khen chuyên đề của LĐLĐ tỉnh Lào Cai về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm học 2019 - 2020./.

Ngọc Thủy - Trung tâm VHTT- Truyền thông Bắc Hà
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập