Một số giải pháp về phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước
Hiểu rõ tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn, nhiều năm qua, nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được các cấp công đoàn trong huyện xác định là: “Tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài Nhà nước (NNN) nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh tạo sự chuyển biến mới về tổ chức và hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp”. Đây cũng là yêu cầu và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp công đoàn trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực NNN góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết số 20-BCH/TW khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước” và Chỉ thị số 33/CT-TU ngày 23/2/2010 của Tỉnh uỷ Lào Cai; Chỉ thị số 01- CT/HU ngày 25/11/2010 của Huyện uỷ Bảo Yên về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”; Nghị định số 98/2014/NĐ- CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được LĐLĐ huyện cụ thể hoá để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài nhà nước.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của các cấp, trong giai đoạn (2018 - 2021) LĐLĐ huyện Bảo Yên đã khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện để tuyên truyền, vận động người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) hay né tránh việc cán bộ LĐLĐ huyện và thành viên Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn khu vực NNN của huyện đến để tuyên truyền, vận động người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn cũng như việc phối hợp cùng với LĐLĐ huyện tổ chức triển khai việc thành lập CĐCS tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn với nhiều lý do mà chủ doanh nghiệp đưa ra để trì hoãn việc thành lập CĐCS. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu về tổ chức Công đoàn nên đã cố tình gây khó khăn, không ủng hộ hoặc không tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động CNLĐ gia nhập tổ chức công đoàn thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó một bộ phận CNLĐ chưa hiểu về tổ chức Công đoàn và vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp nên không muốn gia nhập tổ chức Công đoàn làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Công đoàn.
Qua quá trình khảo sát tiếp cận, vận động tuyên truyền cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ chuyên trách công đoàn và các cơ quan đơn vị phối hợp như Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Lao động TB&XH, trong năm 2021 LĐLĐ huyện Bảo Yên đã thành lập được 02 CĐCS ngoài nhà nước là CĐCS Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải và CĐCS Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long với 34 đoàn viên, nâng tổng số công đoàn cơ sở khu vực NNN của LĐLĐ huyện lên 03 CĐCS với tổng số 152 đoàn viên. Tổ chức Công đoàn đã phát huy được chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công nhân, người lao động và người sử dụng lao động về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tổ chức công đoàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; coi trọng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ để kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cấp nghiên cứu, giải quyết.

LĐLĐ huyện làm việc với Ban giám đốc Công ty thủy diện Phúc Long để vận động thành lập CĐCS
Lãnh đạo huyện và Công ty tặng hoa chúc mừng BCH CĐCS lâm thời Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của một số công đoàn khu vực NNN còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNLĐ, việc sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Công đoàn chưa thường xuyên, do đó hiệu quả chưa cao. Những nguyên nhân cơ bản của hạn chế là: cán bộ công đoàn ngại va chạm với người sử dụng lao động, chưa sâu sát đoàn viên, hoạt động kiêm nhiệm không chuyên trách, ít có thời gian dành cho hoạt động công đoàn, điều kiện vật chất, kinh phí dành cho hoạt động công đoàn còn nhiều khó khăn.
Từ thực trạng chỉ đạo phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn nói chung, tổ chức công đoàn khu vực NNN nói riêng, thời gian qua nảy sinh nhiều vấn đề từ thực tiễn cần được các cấp Công đoàn đi sâu nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Để vận động phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn và chỉ đạo tổ chức công đoàn khu vực NNN đi vào hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, tôi đề xuất một số nội dung, giải pháp như sau:
Một là: Có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp giữa chính quyền, ngành, địa phương và công đoàn cấp trên cơ sở đến CĐCS trong doanh nghiệp khu vực NNN một cách đồng bộ, tạo động lực cho sự phát triển SXKD của doanh nghiệp, gắn với thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với lợi ích cơ bản của người lao động.
Hai là, Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban vận động. Việc vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp được tiến hành theo phương châm kiên trì thuyết phục, vận động làm cho người lao động và chủ sử dụng lao động nhận thức được tính cần thiết của tổ chức công đoàn, về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, CĐCS hoạt động tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trên cơ sở đó người sử dụng lao động tạo điều kiện và ủng hộ việc thành lập tổ chức Công đoàn, CNLĐ tự giác tham gia vào hoạt động công đoàn.
Ba là, CĐCS cần chú trọng phối hợp với chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị người lao động; hướng dẫn, giúp đỡ CNLĐ ký hợp đồng lao động theo tinh thần tại Nghị định số 145/2020/NĐ- CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Đây cũng chính là nội dung cơ bản được thực hiện đầy đủ, trách nhiệm về quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Bốn là, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, Lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”...; có các nội dung và hình thức tổ chức thi đua, khen thưởng phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Năm là, Để nâng cao vai trò chỉ đạo của công đoàn trong hoạt động của đơn vị thì CĐCS phải phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa công đoàn với Công ty. Trong đó quy định rõ ràng những mặt, những việc trong hoạt động của đơn vị mà cơ sở được quyền tham gia, quyết định và giám sát. Qua đó công đoàn mới kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động trong đơn vị. Bằng những việc làm như vậy người lao động thấy việc tham gia vào tổ chức và được sinh hoạt trong tổ chức Công đoàn trong đơn vị là nguyện vọng, là mục tiêu phấn đấu của mỗi đoàn viên công đoàn.
Sáu là, Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS, cán bộ công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ nữ; tăng cường hình thức bồi dưỡng tại cơ sở, chú trọng các nội dung về chính sách, pháp luật lao động, kỹ năng hoạt động công đoàn và năng lực, bản lĩnh đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.
Bảy là, Phát triển đoàn viên và quyền lợi người lao động: lấy chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động là mối quan tâm hàng đầu, sẵn sàng đấu tranh để thực hiện những quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Xây dựng được lực lượng người lao động tiên tiến, tất yếu sẽ xây dựng được CĐCS vững mạnh, tổ chức Công đoàn sẽ là chỗ dựa vững chắc của người lao động, làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đồng thời thực hiện được vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động".
Trong thực tiễn để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn khu vực NNN có rất nhiều biện pháp mà mỗi đơn vị, mỗi ngành nghề đã, đang và sẽ vận dụng được thực hiện đã trở thành cuộc vận động sâu rộng trong tổ chức Công đoàn các cấp. Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh tạo sự chuyển biến mới về tổ chức và hoạt động Công đoàn trong doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp Công đoàn trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Đó cũng là những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính quyết định của tổ chức công đoàn huyện nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 28/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội Công đoàn huyện Bảo Yên khóa V, nhiệm kỳ 2017- 2022 đã đề ra./.