Cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù hiếm nơi nào có được, Sa Pa - Lào Cai được nhiều bạn bè trong và ngoài nước nhắc đến, ngoài thế mạnh phát triển du lịch, nơi đây còn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Nắm bắt lợi thế đó TRAPHACO Sa Pa đã có định hướng từ rất sớm. Với niềm đam mê phát triển sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên anh Đỗ Tiến Sỹ - nguyên là Phó trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển (Công ty Cổ phần Traphaco) đã tiên phong rời thủ đô Hà Nội lên Sa Pa công tác và lập nghiệp.
Hành trình từ thủ đô lên vùng Tây Bắc - Lào Cai khi chưa có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến anh mỗi lần lên phải mất cả ngày đường; giao thông đi lại vất vả, khó khăn nhưng niềm đam mê nghiên cứu, phát triển bền vững cây dược liệu, nhất là các cây dược liệu có giá trị kinh tế như Đương quy, Actiso ... đã giúp anh vượt qua tất cả.
Đoàn viên Đỗ Tiến Sỹ vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Đứng bên phải)
Công ty Traphaco Sa Pa nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Sinh ra và lớn lên tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, sau đó anh Sỹ cùng gia đình lên sinh sống tại tỉnh Sơn La. Học Trường Đại học Dược Hà Nội xong, anh tiếp tục học Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và tốt nghiệp MBA - Đại học Quản trị kinh doanh Paris (PGSM). Với kiến thức chuyên ngành Dược lại được trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh đã cho anh ý tưởng sáng tạo trong phát triển vùng nguyên liệu gắn với thực tiễn liên kết chuỗi giá trị xanh, từ lý thuyết đến thực tế, áp dụng vào công việc chuyên môn tại Công ty Cổ phần Traphaco tại Hà Nội, đồng thời nhận thấy tiềm năng phát triển, đến năm 2010 đoàn viên Sỹ đã tình nguyện lên Lào Cai công tác và được bổ nhiệm Giám đốc Công ty TNHH MTV TraphacoSapa đến nay.
Niềm đam mê nghiên cứu gắn với hành trình đã được trải nghiệm cuộc sống từ thời niên thiếu gắn với vùng cao Tây Bắc (Sơn La), tham gia nhiều hoạt động phát triển dược liệu tại nhiều tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên và Lào Cai đã giúp anh trau dồi được vốn kiến thức vô cùng quý báu. Sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa đồng bào vùng cao đã giúp anh hòa nhập nhanh chóng và đồng hành cùng bà con trong tạo dựng các liên kết để phát triển vùng trồng dược liệu (cây thuốc). Từ những tri thức về dược liệu và kinh nghiệm thực tế của bản thân, anh hiểu rằng Sa Pa là vùng đất có thổ nhưỡng thích hợp với các cây thuốc quý có hàm lượng hoạt chất khác biệt, cao hơn nhiều vùng khác trong cả nước. Vùng đất Sa Pa thực sự là “Vua của các loài cây thuốc” vì vậy nơi đây chính là cơ hội để phát triển phát triển nguồn dược liệu quý!

Đoàn viên Sỹ hướng dẫn cùng bà con thu hoạch Actiso (Mặc áo xanh)
Thực hiện ước mơ quả là một bài toán khó với anh, bởi những năm 2010, vùng trồng dược liệu Actiso tại Sa Pa còn hạn chế và sản lượng ít. Các loại dược liệu khác cũng gần như bị bỏ quên. Thời gian đầu một số dự án của anh không có hiệu quả, anh tiếp tục cùng các đồng nghiệp nghiên cứu tìm hiểu nguyên do tại sao đã được hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật mà dự án hiệu quả vẫn chưa cao? Sau nhiều thời gian nghiên cứu anh Sỹ đã tìm được câu trả lời: đó là phải có sự liên kết trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, mấu chốt là sự liên kết 4 nhà, 5 nhà, 6 nhà, tạo thành chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ một cách bền vững và hiệu quả; là sự miệt mài không ngừng và cách tiếp cận trực quan với đồng bào; là cách làm tận tâm bắt tay chỉ việc, cùng ăn cùng làm... trên cơ sở đó, hàng loạt kế hoạch được xây dựng và triển khai nhanh chóng. Với sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp từ các đồng chí lãnh đạo huyện Sa Pa thời đó (nay là thị xã Sa Pa) ủng hộ về chủ trương, có kế hoạch chỉ đạo UBND các xã, có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân và công ty (chính quyền vào cuộc); hỗ trợ kỹ thuật (hỗ trợ phân bón, cung cấp giống, cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm cùng với người dân, bao tiêu toàn bộ dược liệu Actiso và Chè dây); tuyên truyền trên các thông tin đại chúng và quản lý công việc (khâu quan trọng nhất) để sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Bài toán khó nay đã tìm được lời giải !
Đoàn viên Sỹ luôn tin tưởng phát huy những lợi thế tiềm năng về điều kiện thiên nhiên và bản sắc văn hóa, Lào Cai có thể tích hợp phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, trong đó du lịch là kinh tế mũi nhọn, nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển kinh tế.
Công ty TNHH MTV TraphacoSapa là công ty có 100% vốn thuộc công ty CP Traphaco, được thành lập vào năm 2001 với sứ mệnh sản xuất dược liệu và các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Là Doanh nghiệp khoa học công nghệ, công ty TraphacoSapa đã có những bước phát triển đột phá trong sự nghiệp phát triển dược liệu, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Trước năm 2010, Actiso là cây dược liệu được bà con trồng rải rác với diện tích khoảng 10 ha. Đến nay, nhờ chính sách phát triển cây dược liệu của công ty mà diện tích atiso đã tăng lên 70 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa và Bắc Hà. Sản lượng Actiso cũng tăng từ 100 tấn lá tươi lên gần 2.000 tấn/năm. Về chất lượng, dược liệu Actiso tại Sa Pa đã được Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn GACP –WHO (Thực hành tốt trong trồng và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) sản lượng 2000 tấn dược liệu/năm. Đây là dược liệu đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn GAC-WHO. Công ty TNHH TraphacoSapa đại diện công ty nhận chứng nhận Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015, năm 2018 được Bộ Y Tế cấp chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Gặp đoàn viên Sỹ trong buổi nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, sáng kiến của anh có giá trị làm lợi về kinh tế, tăng doanh thu cho công ty, anh chia sẻ: Thời gian 11 năm anh và các cán bộ, người lao động trong công ty đã đồng hành cùng người dân, cùng địa phương tỉnh Lào Cai trong phát triển các sản phẩm dược liệu, để bảo tồn nguồn giống, sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ngoài ra tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mở rộng diện tích phát triển dược liệu, triển khai sản phẩm “Xanh” chăm sóc sức khỏe con người từ thảo dược Sa Pa. Khi sản phẩm của công ty anh ra đời được người tiêu dùng đón nhận anh và các cán bộ vui mừng, tự hào và hãnh diện, thương hiệu Actiso Sa Pa được cả nước biết đến.
Từ năm 2009 đến nay đoàn viên Sỹ đã là chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài, dự án, các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và nhiều sáng kiến, được UBND tỉnh Lào Cai, được các bộ, các ngành cộng nhận như: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Bát vị quế phụ và viên nang mềm Boganic. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Ampelop làm thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Embin làm thuốc tẩy sán từ loài chua ngút Embeliascandens (Lour.) Mez. Nghiên cứu trồng chè dây an toàn làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc Ampelop và các chế phẩm phòng, điều trị bệnh viêm loét dạ dạ dày – tá tràng. Nghiên cứu chế biến phụ tử và cao phụ tử từ cây Ô đầu Sapa để chế tạo thuốc Bát vị quế phụ. Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến hắc phụ, bạch phụ và bào chế cao phụ tử ở quy mô pilot. Khai thác và phát triển nguồn gen Hoài sơn và Ý dĩ làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm hỗ trợ điều trị đái tháo đường từ các dược liệu Bằng lăng nước, Giảo cổ lam và Tri mẫu. Phát triển vùng trồng, thu hái và chế biến dược liệu Actiso, Đương quy và Chè dây tại tỉnh Lào Cai và Sơn La góp phần tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người thu nhập thấp. Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng cây Chè dây (Ampelopsis cantoniensis) tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát. Nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp. Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại huyện Sa Pa.
Vinh dự và tự hào tại Hội thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ 7, năm 2020 - 2021, đoàn viên Sỹ là thành viên tham gia thực hiện dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ đông trùng hạ thảo (Cordyceps Militaris) tại thị xã Sapa (Lào Cai)" đã đạt 01 giải Nhất và 01 giải Ba với đề tài "Giải pháp sáng tạo trong sản xuất cao dược liệu bằng công nghiệp phun sương để làm nguyên liệu sản xuất thuốc".
Với những đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, anh Đỗ Tiến Sỹ đã được nhận nhiều Bằng khen của Nhà nước, cấp bộ, ngành và địa phương. Anh đạt giải thưởng KOVA, giải Khoa học công nghệ ứng dụng, Giải thưởng cúp vàng Vifotec…, anh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.
Trong niềm vui phấn khởi về phát triển dược liệu với niềm đam mê hoài bão đồng hành cùng người dân vùng cao tiên phong trong chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc dược liệu, phát triển kỹ năng của đồng bào trong ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá tiêu thụ các sản phẩm do chính họ làm ra, Anh cùng người dân phát triển dược liệu gắn với trải nghiệm văn hóa thảo dược với nhiệt huyết đong đầy, thấy cuộc sống đổi thay của đồng bào cũng như Công ty trong tương lai gần với công cuộc chuyển đổi số trong phát triển dược liệu. Một niềm tin Dược liệu Lào Cai phát triển lên tầm cao mới, mang lại những giá trị phát triển bền vững của vùng dược liệu Sa Pa.