Vượt khó khăn thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Lượt xem: 379

Với phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn”, những năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Dù còn nhiều khó khăn, với sự kiên trì, cách làm sáng tạo, các cấp công đoàn đã tiếp xúc, tạo được đồng thuận với doanh nghiệp, người lao động trong thành lập, tham gia tổ chức công đoàn.

Các đ/c đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng BCH Công đoàn cơ sở Khách sạn Silk Path SaPa

Theo chân những cán bộ công đoàn tại LĐLĐ thị xã Sa Pa tới thăm người lao động Khách sạn Silk Path (thị xã Sa Pa), ở đây không khí của người lao động rất phấn khởi và vui mừng khi biết tin tổ chức công đoàn khách sạn được thành lập. Ngay khi thành lập, 141/150 lao động của khách sạn đã viết đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn. Người lao động vui bởi từ nay đã có tổ chức để bày tỏ nguyện vọng bản thân, có “chỗ dựa” tin cậy nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp. Đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của nhiều cán bộ chuyên trách LĐLĐ thị xã khi có thời điểm việc xúc tiến các điều kiện để khảo sát, thành lập tổ chức công đoàn ở đơn vị tưởng chừng đi vào ngõ cụt khi phía chủ doanh nghiệp không hợp tác, gây nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của lãnh đạo LĐLĐ Thị xã Sa Pa, để vận động, thành lập thành công tổ chức công đoàn tại đây, các cán bộ công đoàn chuyên trách của Thị xã đã mất hơn 3 năm kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục thông qua nhiều hình thức, mối quan hệ khác nhau để chủ doanh nghiệp phối hợp, tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn. Đa số các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thị xã Sa Pa hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, số lượng lao động thường xuyên biến động, có sự dịch chuyển lao động giữa các đơn vị doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp thiếu hợp tác, chưa tạo điều kiện cho thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên. Khắc phục khó khăn, LĐLĐ thị xã đã tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã các văn bản chỉ đạo về phát triển tổ chức công đoàn trong các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ đối với lao động, chấp hành pháp luật lao động tại đơn vị có số lao động từ 20 người trở lên. Đồng chí Má Thị Đa - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã chia sẻ: LĐLĐ thị xã bố trí cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm trong thuyết phục, tuyên truyền, đàm phán, có hiểu biết sâu sắc về người lao động và nghiệp vụ công đoàn. Trong công tác tuyên truyền đối với chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phải giúp cho chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò, vị trí công đoàn trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Khi tiếp xúc cần gây thiện cảm, đặt vấn đề ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung cần tuyên truyền, thuyết phục và dành thời gian cho chủ doanh nghiệp suy nghĩ, cân nhắc trước khi đi đến quyết định, không g̣ò ép trả lời "có", "không" ngay trong buổi tiếp xúc vận động. Với cách làm kiên trì như trên, nhiều năm qua, LĐLĐ Thị xã Sa Pa là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn. Trong năm 2020, LĐLĐ Thị xã đã thành lập được 02 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với 224 đoàn viên công đoàn (đạt 109,5% kế hoạch).
Công đoàn ngành Công Thương hiện có 48 công đoàn cơ sở với gần 2.000 đoàn viên công đoàn. Đa số doanh nghiệp thuộc ngành là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có quy mô nhỏ, hoạt động không ổn định. Số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn ít, nhiều doanh nghiệp là doanh nghiệp gia đình. Từ đó, việc phát triển đoàn viên công đoàn được công đoàn ngành xác định là vận động người lao động ở các đơn vị đã có tổ chức công đoàn hoặc doanh nghiệp có đông người lao động. Quá trình tuyên truyền, cán bộ công đoàn phải làm cho người lao động hiểu rõ về tổ chức công đoàn đồng thời nhận thấy sự khác biệt về quyền lợi khi tham gia công đoàn và người lao động không tham gia công đoàn. Công đoàn ngành thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trong đó, Công đoàn ngành đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tập trung phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng Thỏa ước lao động tập thể với những điều, khoản có lợi cho người lao động về tiền lương, thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi; hỗ trợ người lao động không may bị mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động; xây dựng, sửa chữa nhà Mái ấm công đoàn. Đối với việc thành lập tổ chức công đoàn, những đơn vị nào đủ điều kiện, Công đoàn ngành cử cán bộ tới tìm hiểu, đặt vấn đề, kiên trì thuyết phục các chủ doanh nghiệp đồng thuận trong thành lập tổ chức công đoàn. Nhiều doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phải tới liên hệ, làm việc hàng chục lần mới đạt được thỏa thuận trong thành lập tổ chức công đoàn. Với nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ công đoàn, từ đầu năm đến nay, công đoàn ngành đã thành lập được 01 công đoàn cơ sở với 11 đoàn viên.
Trên đây là hai đơn vị có cách làm sáng tạo trong phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Những nỗ lực của cán bộ công đoàn và đổi mới trong hoạt động của tổ chức công đoàn đã, đang tạo được niềm tin nơi người lao động và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, vì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.

Thảo Nhi (Báo Lào Cai)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập