CÔNG ĐOÀN LÀO CAI PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 93 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Nguyễn Hữu Long
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai
Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã liên kết các Công hội Đỏ ở các cơ sở và giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ vào ngày 28/7/1929 tại nhà số 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban chấp hành lâm thời đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Quyết định thành lập Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội đỏ.
Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh”, Bác viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".
Từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Trải qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động và của đất nước.
93 năm qua một chặng đường lịch sử vẻ vang của Công đoàn Việt Nam. Qua từng thời kỳ, với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 - 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1939), Hội công nhân phản đế (1939 – 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941 - 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946- 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm là phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “xanh – sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ…, qua các phong trào thi đua đã thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đông đảo đoàn viên và người lao động.
Trong những năm gần đây, giai cấp công nhân nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã và đang tăng nhanh về số lượng, ngày càng đa dạng về cơ cấu, đồng thời chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên. Cùng với các giai cấp, giai tầng xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 24 - 26/9/2018, Đại hội đã xác định 09 nhóm chỉ tiêu, 09 nhiệm vụ tổng quát và 03 khâu đột phá trong cả nhiệm kỳ, với 01 chương trình trọng tâm "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước".

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tặng Bức trướng cho LĐLĐ tỉnh Lào Cai
Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới giàu tài nguyên khoáng sản. Ngay khi đặt chân xâm lược nước ta, cùng với việc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp đã thực hiện ngay chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất 1897. Từ đầu thế kỷ 20 tại Lào Cai đã sớm hình thành một số ngành sản xuất, kinh doanh: Giao thông vận tải, công nghiệp khai khoáng, xây dựng các nhà máy điện, nước, dệt thổ cẩm. Đội ngũ công nhân Lào Cai khi ra đời còn nhỏ bé không tập trung, chưa ổn định, nhưng họ sớm ý thức đấu tranh chống Thực dân phong kiến. Ngay từ những cuộc đấu tranh tự phát đầu tiên, các cuộc đấu tranh của công nhân Lào Cai đã mang tính chất giai cấp rõ rệt. Họ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của CNLĐ và bảo vệ quyền lợi cho mình. Đội ngũ công nhân, viên chức Lào Cai tuy số lượng không đông nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Lào Cai tuy chưa có tổ chức chính quyền, nhưng các hoạt động yêu nước của công nhân, viên chức vẫn diễn ra khá sôi động. Đặc biệt, khi đoàn cán bộ của Đảng và Chính phủ lên Lào Cai tuyên truyền thành lập chính quyền lâm thời thì công nhân, viên chức là lực lượng nòng cốt thực hiện chủ trương của Đảng. Ngày 01/11/1950 Lào Cai được giải phóng, đã chấm dứt hơn 06 thập niên Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chịu cảnh áp bức đô hộ của thực dân. Sự kiện này là một mốc son lịch sử chói lọi của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc Lào Cai. Sau giải phóng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh dần dần được khôi phục và ổn định, một số các cơ quan công sở được thành lập và đi vào hoạt động. Trước tình hình đó BCH Tỉnh uỷ Lào Cai đã có Nghị quyết thành lập Công đoàn Lào Cai. Sau một thời gian vận động đã phát triển đoàn viên, tổ chức được một số công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở bộ phận. Ngày 15/11/1951, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ và Liên hiệp Công đoàn khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ Nhất Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức tại Soi Mười - Vạn Hoà - Cam Đường (nay thuộc tổ 4, phường Lào Cai). Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh gồm 5 đồng chí, đồng chí Bùi Hồng Toàn được bầu giữ chức vụ Chánh thư ký. Số đoàn viên công đoàn ngày đầu kết nạp là 235 người.
Hơn 70 năm qua, một chặng đường lịch sử vẻ vang của phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn tỉnh Lào Cai xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng là lực lượng tiên phong cách mạng của tỉnh nhà. Tổ chức Công đoàn Lào Cai đã phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Công đoàn là sợi dây nối liền giữa tổ chức Đảng với quần chúng lao động, là chỗ dựa tin cậy của chính quyền các cấp. Những kết quả và thành tích đạt được trong chặng đường lịch sử của Công đoàn Lào Cai là kết tinh của sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động tỉnh Lào Cai.
Những kết quả nổi bật trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn từ tái lập tỉnh Lào Cai (1991) đến nay.
Ngày 01/10/1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Ngay sau khi chia tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 597-QĐ/TLĐ tách Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tổ chức là BCH-LĐLĐ tỉnh Lào Cai và BCH-LĐLĐ tỉnh Yên Bái. BCH-LĐLĐ tỉnh Lào Cai có 11 đồng chí và 1 đồng chí ủy viên Ủy ban kiểm tra. Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai được tái thành lập gồm 9 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã; 4 công đoàn ngành: Nông - Lâm nghiệp, Giao thông vận tải, Giáo dục, Thương nghiệp, còn 3 công đoàn ngành Y tế, Xây dựng và Công đoàn các cơ quan tỉnh lên Lào Cai thành lập sau vì không đủ số lượng ủy viên ban chấp hành cần thiết, 216 công đoàn cơ sở, 22.676 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, có 79 cán bộ công đoàn chuyên trách. Cơ sở vật chất hầu như không có, Liên đoàn Lao động tỉnh làm việc tại trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Bảo Thắng sau đó làm nhờ Xí nghiệp Địa chất 304 và đến tháng 7/1993 chuyển lên thị xã Lào Cai.
Trải qua hơn 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991) đến nay, đặc biệt thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển, trước những yêu cầu nhiệm vụ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp và thích ứng với yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ đề ra cho từng giai đoạn.
Trong chặng đường hơn 70 năm xây dựng và phát triển, các cấp Công đoàn Lào Cai luôn bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và nhất là từ khi Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. BCH- LĐLĐ tỉnh Lào Cai đã tích cực tham mưu, chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa Chỉ thị, Nghị Quyết của Đảng vào thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Công tác chỉ đạo đã từng bước được đổi mới, tập trung hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động; thực hiện tốt việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, các cấp Công đoàn đã chủ động đi sâu nghiên cứu nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, việc thực hiện chế độ chính sách tiền lương, BHXH, an toàn lao động, bảo hộ lao động, chính sách lao động nữ,... đồng thời có kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm chế độ chính sách đối với người lao động. Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, tổ chức tham gia đối thoại, thương lượng, ký thoả ước lao động tập thể, giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, nâng cao chất lượng bữa ăn ca; phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị NLĐ; Văn phòng tư vấn pháp luật và các tổ tư vấn pháp luật trong các cấp công đoàn đã t¬¬ư vấn cho hàng nghìn lượt đoàn viên và CNVCLĐ.

Đc Hoàng Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy và Đc Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao tặng Bằng "Lao động sáng tạo" của Tổng Liên đoàn cho các cá nhân.
Thực hiện hoạt động với mục tiêu “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, "vì đoàn viên, người lao động mà phục vụ", hằng năm LĐLĐ tỉnh đều tổ chức “Tháng Công nhân” gắn với “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”; Chương trình “Tết Sum vầy”, được phát động từ năm 2016 đến nay, qua 7 năm tổ chức đã có sự phối hợp với các sở, ngành, các địa phương và doanh nghiệp, thăm hỏi hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo,...với số tiền gần 6 tỷ đồng. Thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, được phát động từ năm 2018 đến nay LĐLĐ tỉnh đã ký kết với 15 doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện hỗ trợ giảm giá khi mua sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa tiêu dùng, đã có gần 15.000 lượt đoàn viên tham gia và đã được thụ hưởng với số tiền trên 3 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn Lào Cai”; triển khai thực hiện dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, giúp cho hàng trăm lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Vận động đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp ủng hộ các quỹ xã hội của tỉnh,... với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Công tác phát triển đoàn viên luôn được quan tâm, với phương châm “ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”; từ ngày đầu thành lập với 235 đoàn viên, đến năm 1991 tái lập tỉnh có 216 công đoàn cơ sở, 22.676 đoàn viên; đến nay toàn tỉnh có trên 70.000 CNVCLĐ, có 1.260 công đoàn cơ sở với trên 53.000 đoàn viên công đoàn. Nội dung, phương thức hoạt động công đoàn được từng bước đổi mới, hướng mạnh về cơ sở. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và thực hiện “Đề án đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn tỉnh Lào Cai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Hiện nay 100% cán bộ CĐ chuyên trách của LĐLĐ tỉnh đều có trình độ ĐH trở lên. LĐLĐ tỉnh Lào Cai phối hợp Trường Đại học Công đoàn mở 06 lớp (3 khóa) đào tạo ĐH Quản trị kinh doanh hệ vừa làm, vừa học tại tỉnh Lào Cai, đào tạo cho 350 cử nhân; mở các lớp đào tạo Lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn, đào tạo nghiệp vụ kế toán công đoàn cho 148 cán bộ công đoàn. Hàng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đã bồi dưỡng giới thiệu trên 1.000 đoàn viên, CNVCLĐ ưu tú cho cấp ủy Đảng xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ,vv... được cụ thể hóa gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay đã có hàng trăm các công trình được gắn biển trong các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị của tỉnh, của đất nước, của tổ chức công đoàn. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh; đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng mang lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng; đã có 228 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng lao động sáng tạo; có 550 cá nhân được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam”.
Thực hiện chủ trương về “Tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác Quốc tế của Công đoàn Việt Nam”, từ năm 1998 đến nay LĐLĐ tỉnh Lào Cai đã có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hằng năm hai bên đều tổ chức các đoàn sang thăm, hội đàm, trao đổi học tập kinh nghiệm về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Đ/c Giàng Seo Vần - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQVN tỉnh và Đ/c Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao Bằng khen của Tổng Liên đoàn cho các tập thể, cá nhân.
Trải qua hơn 70 năm hoạt động, với 16 kỳ Đại hội, lực lượng CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Với những nỗ lực cố gắng của của các cấp Công đoàn trong tỉnh và nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành khen thưởng; LĐLĐ tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều Cờ, Bằng khen. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh vinh dự đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1998), hạng Nhì (2005), hạng Nhất (2010); Huân chương Độc Lập hạng Ba (2021).
Trong giai đoạn mới thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Lào Cai là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ và đang dần dần trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng của vùng, cùng với xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành hình mẫu hợp tác hiệu quả trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc; Trong xu thế hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng để phát triển. Trong thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tiếp tục tăng nhanh, tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, cơ hội và thách thức đan xen; trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo nhiều việc làm nhưng cũng đòi hỏi về trình độ chuyên môn, kĩ thuật ngày càng cao. Nhất là việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến việc thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn, quan hệ lao động sẽ có nhiều yếu tố phức tạp nảy sinh… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn về tổ chức và hoạt động của Công đoàn để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao hỗ trợ cho các đơn vị trong chương trình Tết Sum vầy 2022
Trong suốt quá trình lịch sử phong trào công nhân và hoạt động công đoàn tỉnh Lào Cai luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn tỉnh Lào Cai là một bộ phận trong Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, đội ngũ công nhân Lào Cai vừa mang đặc điểm chung của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa có những đặc thái riêng. Phát huy truyền thống vẻ vang 93 năm Công đoàn Việt Nam, hơn 70 năm xây dựng trưởng thành, đội ngũ CNVCLĐ và các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã và đang có những bước đi vững chắc và đúng hướng, quyết tâm thi đua lập thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững an ninh quốc phòng mà Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, sớm hiện thực hóa “khát vọng” đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.