22/07/2019
Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai : DIỄN VĂN Gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019)
Lượt xem: 220
DIỄN VĂN
Gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
(28/7/1929 - 28/7/2019)
Kính thưa các vị đại biểu, khách qúy !
Thưa toàn thể các đồng chí!
Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời đến nay tròn 90 năm. Chín mươi năm - một chặng đường lịch sử phấn đầu xây dựng và trưởng thành. Một chặng đường mà giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết vượt qua bao khó khăn, thử thách làm nên những thành tích to lớn, đánh dấu bằng nhiều mốc son chói lọi, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hoà chung với khí thế thi đua sôi nổi, của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn cả nước chào mừng Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; được sự nhất trí của Tổng Liên đoàn Lao động VN, của Tỉnh ủy Lào Cai, hôm nay Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).
BCH LĐLĐ tỉnh nhiệt liệt chào mừng, trân trọng cảm ơn: các đ/c lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo TLĐLĐVN, các đ/c nguyên lãnh đạo và cán bộ Công đoàn chuyên trách tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ; các quý vị đại biểu, khách quý; cùng toàn thể cán bộ, ĐVCĐ, đại diện cho gần 80.000 công nhân viên chức, lao động và đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh đã về dự buổi gặp mặt kỷ niệm. Kính chúc các đ/c lãnh đạo, các vị đại biểu, cùng toàn thể các đ/c mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Kính thưa các đồng chí!
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã liên kết các Công hội Đỏ ở các cơ sở và giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ vào ngày 28/7/1929 tại nhà số 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban chấp hành lâm thời đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Quyết định thành lập Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội đỏ.
Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh”, Bác viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Chính vì ý nghĩa đó, Đại hội V Công đoàn Việt Nam (tháng 11 năm 1983) đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Công hội đỏ đã chỉ đạo Công nhân lao động tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh sôi nổi và liên tục của nhân dân ta nhằm giành độc lập dân tộc. Có Đảng lãnh đạo, trải qua đấu tranh cách mạng Công hội đỏ ngày càng lớn mạnh sau đó là Nghiệp đoàn Ái hữu (1935-1939), Hội Công nhân phản đế (1939-1941).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, toàn dân ta phải đương đầu với nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm. Để tăng cường thêm sức mạnh của Công hội, vấn đề đặt ra là tổ chức công nhân cứu quốc cả nước phải thống nhất. Tháng 3 năm 1946, hội nghị đại biểu công nhân cứu quốc Bắc, Trung, Nam họp tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân Việt Nam được thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Ngày 20/6/1946 tại số nhà 51, phố Hàng Bồ, TP Hà Nội, Hội nghị Công nhân cứu quốc họp và quyết định đổi tên Hội công nhân cứu quốc thành Công đoàn và quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là một tổ chức rộng rãi của GCCN nhằm đoàn kết những người lao động không phân biệt tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, ngành nghề. Ba năm sau, Tổng LĐLĐ Việt Nam được Liên hiệp Công đoàn thế giới công nhận là thành viên chính thức.
Với sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức công đoàn đã cùng nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp. Hoạt động của công đoàn trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện tính đa dạng và toàn diện. Những hoạt động ấy chẳng những đã góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi mà còn đặt nền móng cho các hoạt động công đoàn giai đoạn sau này.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, một nửa đất nước ta được độc lập tự do, miền Bắc được giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Công đoàn đã vận động CNVCLĐ tích cực tham gia thi đua thực hiện phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, phong trào thi đua “Ngày thứ 7 đấu tranh thống nhất nước nhà”, “Làm thêm phần việc của anh Trỗi”, động viên CNVCLĐ bám trụ sản xuất, vừa tự vệ, vừa sản xuất. Biến những xí nghiệp thành những pháo đài, công nhân “chắc tay súng, vững tay búa”, góp sức mình đánh bại âm mưu của giặc Mỹ.
Mùa xuân năm 1975 nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, toàn dân ta bước sang một kỷ nguyên mới: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, ngày 6/6/1975 hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã hợp nhất công đoàn cả nước lấy tên là Tổng Công đoàn Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí!
Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, thời kỳ chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân và người lao động. Với tinh thần đổi mới, dân chủ. Đại hội đã đề ra mục tiêu có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với công nhân lao động đó là “Việc làm, dân chủ, đời sống và công bằng xã hội” là tiền đề đưa phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn cả nước sang một thời kỳ mới. Hoạt động công đoàn đã tập trung vào việc tham gia giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đất nước và vì quyền lợi thiết thân của người lao động, coi chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ là hàng đầu. Đồng thời, các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế quản lý mới trong doanh nghiệp, theo hướng tạo động lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động; phát động nhiều phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phù hợp với nhiệm vụ tập hợp người lao động thuộc các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu mở rộng đối tượng và và phạm vi hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, trải qua 07 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam (từ ĐH VI đến nay là ĐH XII), GCCN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 24-26/9/2018 tại thủ đô Hà Nội, Đại hội đã xác định 09 nhóm chỉ tiêu, 09 nhiệm vụ tổng quát và 03 khâu đột phá, 01 Chương trình trọng tâm "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước".
Thực tiễn đã chứng minh trải qua 90 năm hoạt động: CĐVN với bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, được các lãnh tụ cách mạng tiếp thu, chọn lọc và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. CĐVN là thành viên nòng cốt của MTTQ Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước; đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, xứng đáng với lòng tin yêu của toàn Đảng, toàn dân. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc, bảo vệ không mệt mỏi cho quyền và lợi ích của giai cấp công nhân và NLĐ. Công đoàn Việt Nam xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: 02 Huân chương Sao Vàng, 01 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba.
Kính thưa các đồng chí!
Lịch sử phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức CĐ Lào Cai luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời lịch sử của phong trào công nhân và hoạt động CĐ Lào Cai là một bộ phận trong lịch sử phong trào của GCCN VN.
Ngày 01/11/1950 Lào Cai được giải phóng. Sau ngày giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh dần dần được khôi phục và ổn định, một số các cơ quan công sở được thành lập và đi vào hoạt động. Trước tình hình đó, BCH Tỉnh uỷ Lào Cai đã có Nghị quyết thành lập Công đoàn Lào Cai.
Sau một thời gian vận động đã phát triển đoàn viên, tổ chức được một số công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận. Ngày 15/11/1951, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ và Liên hiệp Công đoàn khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức tại Soi Mười - Vạn Hoà - Cam Đường. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh gồm 5 đồng chí, đồng chí Hồng Toàn được bầu giữ chức vụ Chánh thư ký. Từ ngày đầu thành lập Công đoàn Lào Cai mới có 235 đoàn viên công đoàn, trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay toàn tỉnh có gần 80.000 CNVCLĐ, trên 55.000 ĐVCĐ, với trên 1.300 CĐCS. Cơ cấu đội ngũ công nhân lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại du lịch, dịch vụ. Chất lượng đội ngũ công nhân Lào Cai được nâng lên. Đội ngũ CNLĐ được trẻ hoá, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, hình thành dần tác phong công nghiệp, có kỷ luật lao động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần yêu nước, đoàn kết tương thân tương ái, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là nguồn nhân lực quan trọng quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Thực hiện chức năng trọng tâm của tổ chức công đoàn là đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, các cấp Công đoàn đã tham gia kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, bổ sung, sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội,...; hằng năm phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách tiền lương, BHXH, bảo hộ lao động, an toàn lao động, chính sách lao động nữ, thực hiện pháp luật về quan hệ lao động; đồng thời có kiến nghị xử lý kịp thời các việc vi phạm chế độ chính sách đối với người lao động; Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động tham gia đối thoại, thương lượng, ký và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp; xây dựng mối quan hệ hài hoà ổn định trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy đã làm hạn chế được tranh chấp lao động, không để xẩy ra đình công, bãi công.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ VN, hướng hoạt động công đoàn về cơ sở, phục vụ lợi ích đoàn viên, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về chính trị trong CNVCLĐ, gắn với tuyên truyền thực hiện việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức được 11.024 buổi tuyên truyền cho 118.738 lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia. Công tác tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật được triển khai đồng bộ trên các kênh thông tin của Công đoàn tỉnh như: Trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh; chuyên mục Lao động & Công đoàn trên sóng Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, chuyên trang trên Báo Lào Cai; trang mạng xã hội Facebook Công đoàn Lào Cai và các cấp công đoàn trong tỉnh;...đã giúp cho đoàn viên, NLĐ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều, để giúp NLĐ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình tại nơi làm việc.
Thực hiện chủ đề hoạt động “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc đã kịp thời giúp đỡ động viên NLĐ như: Chương trình “Mái ấm công đoàn Lào Cai” vận động CNVCLĐ đóng góp được 5 tỷ 626 triệu đồng; đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 136 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, với tổng kinh phí 3 tỷ 310 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho CNVCLĐ ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, gặp rủi ro, thiên tai, khó khăn trong cuộc sống với số tiền 4 tỷ 708 triệu đồng; duy trì hoạt động của các dự án từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, giúp cho hàng trăm lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình CNLĐ...
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức “Tháng Công nhân”; Chương trình “Tết Sum vầy”, từ năm 2016 đến nay, qua 4 năm LĐLĐ tỉnh tổ chức đã có sự phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh, và có sự chung tay góp sức đồng hành của hàng 100 doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo; con CNLĐ mồ côi, khuyết tật… như tặng quà tết, tặng vé xe cho CNLĐ nghèo về quê ăn tết với số tiền hàng tỷ đồng.
Thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, từ năm 2018 đến nay LĐLĐ tỉnh đã ký kết với 13 doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện giảm giá cho đoàn viên công đoàn khi mua sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa tiêu dùng; qua hơn một năm thực hiện chương trình đã có gần 4000 lượt đoàn viên tham gia và đã được thụ hưởng với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Công tác phát triển đoàn viên luôn được quan tâm, với phương châm “ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”; từ năm 2013 đến nay (hơn 6 năm) các cấp CĐ trong tỉnh đã phát triển mới được 143 công đoàn cơ sở với 10.686 đoàn viên. Nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn được từng bước đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tất cả các hoạt động đều đều hướng về mục tiêu “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”; qua đó góp phần đưa tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh bình quân hàng năm đạt tỷ lệ 87%. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện, kết quả từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã giới thiệu trên 10.000 đoàn viên công đoàn ưu tú cho các cấp ủy xem xét, bồi dưỡng, trong đó đã có trên 7.000 đoàn viên, CNVCLĐ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn phải được quan tâm hàng đầu, BCH LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và thực hiện “Đề án đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn tỉnh Lào Cai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Hiện nay 100% cán bộ CĐ chuyên trách của LĐLĐ tỉnh đều có trình độ ĐH trở lên. Từ năm 2013 đến nay các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức 340 lớp tập huấn cho 30.531 lượt cán bộ công đoàn. LĐLĐ tỉnh Lào Cai phối hợp Trường Đại học Công đoàn mở 06 lớp (3 khóa) đào tạo ĐH Quản trị kinh doanh hệ vừa làm, vừa học tại tỉnh Lào Cai, đào tạo cho 350 cử nhân; và phối hợp với LĐLĐ các tỉnh Điện Biện, Lai Châu, Yên Bái mở các lớp đào tạo đại học phần Lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn, mới lớp đào tạo nghiệp vụ kế toán công đoàn cho cán bộ công đoàn.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước do Tỉnh, Tổng Liên đoàn phát động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động ”; “Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng đô thị văn minh; Phong trào văn nghệ, thể thao được đẩy mạnh; Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp, thu hút đông đảo ngư¬ời lao động tham gia thực hiện, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2013 đến nay, có 64 công trình được gắn biển trong các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị của tỉnh, của đất nước. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh; đã có 3.093 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng mang lại giá trị làm lợi trên 47,5 tỷ đồng; 21 giải pháp, 16 đề tài của 105 tác giả và đồng tác giả được giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai; đã có gần 100 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng lao động sáng tạo.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lào Cai và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác Quốc tế của Công đoàn Việt Nam”, từ năm 1998 đến nay (hơn 20 năm) LĐLĐ tỉnh Lào Cai đã có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hằng năm hai bên đều tổ chức các đoàn sang thăm, trao đổi, tọa đàm, học tập kinh nghiệm về công tác công đoàn và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Qua quá trình 68 hoạt động với các phong trào thi đua, vì vậy đã có nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước và các cấp công đoàn khen thưởng; LĐLĐ tỉnh liên tục được Thủ tướng Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen. Đặc biệt, năm 2011, LĐLĐ tỉnh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là niềm vinh dự tự hào to lớn của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Lào Cai, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề đòi hỏi mỗi cán bộ CĐ cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, cùng nhau đoàn kết xây dựng đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức CĐ Lào Cai ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với các danh hiệu cao quý đã được đón nhận.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!
Phát huy truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Lào Cai đã và đang quyết tâm thi đua lập thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, lao động sản xuất, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng và ĐH Công đoàn các cấp đã đề ra; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh với hơn 1300 đ/c Chủ tịch CĐCS, các Đ/c đều là những người đầy nhiệt huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các hoạt động, có nhiều đổi mới trong hoạt động Công đoàn, có mối liên hệ chặt chẽ với ĐVCĐ và NLĐ, được quần chúng tín nhiệm; tích cực tham mưu cho cấp ủy, xây dựng được mối quan hệ gắn kết giữa Công đoàn với chuyên môn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Tại buổi gặp mặt hôm nay, BCH-LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”; Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho 20 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; Trao thưởng cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động” trên mạng xã hội fecabook; và đặc biệt là tổ chức Vinh danh 90 Chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu, giai đoạn 2013-2018.
Kính thưa các đồng chí!
Đạt được những thành tích to lớn đáng tự hào ngày hôm nay, thay mặt BCH-LĐLĐ tỉnh cùng toàn thể cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ trong tỉnh xin chân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh ủy Lào Cai; cảm ơn các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy các ngành, các đơn vị, các doanh nghiệp đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo; cảm ơn các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, các công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ các tỉnh bạn đã thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Công đoàn Lào Cai tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày một giàu đẹp.
Xin chân thành cảm ơn các thế hệ lãnh đạo tỉnh Lào Cai, các đồng chí cán bộ công đoàn Lào Cai qua các thời kỳ đã giành tình cảm, tâm huyết của mình đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng tổ chức Công đoàn trong những năm qua; đồng thời kính mong các đồng chí tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp công sức, tạo điều kiện cho các cấp Công đoàn trong tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần ghi tiếp trang sử vẻ vang của tổ chức Công đoàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới.
Thay mặt BCH- LĐLĐ tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm phát triển và trưởng thành của Công đoàn Việt Nam, 68 năm xây dựng và phát triển của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Lào Cai, hãy đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; nghị quyết Đại hội Công đoàn Lào Cai lần thứ XVI; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích thiết thực trên các lĩnh vực học tập, công tác, lao động sản xuất, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp.
Cuối cùng, thay mặt Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam muôn năm!
- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn !