Theo Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP ban hành ngày 21/11/2013 Quy định chi tiết về tài chính công đoàn thì mức đóng kinh phí công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hay chưa có tổ chức công đoàn) đóng nộp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ngay sau khi Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 Chính phủ ban hành, Liên đoàn lao động tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 18/9/2014 về vệc thực hiện Luật công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ. Thông qua việc trích nộp kinh phí công đoàn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm với người lao động, nghĩa vụ với tổ chức công đoàn, góp phần cân đối nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động, phong trào chung của hệ thống công đoàn.

Tặng Bằng khen cho 89 đoàn viên, lao động trực tiếp có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua giai đoạn 2016-2018 (Ảnh Phương Thúy)
Triển khai thực hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp, chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền các nội dung về pháp luật thuế và pháp luật công đoàn tới người lao động, chủ sử dụng lao động. Để phù hợp và chủ động trong thu phí công đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo tiến hành phân cấp thu kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu. Trên cơ sở thông tin của Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp, Liên đoàn lao động tỉnh cung cấp danh sách đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn. Các công đoàn cấp trên cơ sở chủ động điều tra, rà soát, xác định nguồn thu và phối hợp với cơ quan bảo hiểm xà hội cùng cấp xác định quỹ tiền lương, lập và gửi thông báo thu kinh phí cho doanh nghiệp, đơn vị. Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn theo quy định, nhưng mới chỉ các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước và một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã có tổ chức công đoàn thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vấn đề thu kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa thành lập tổ chức công đoàn vẫn là một “bài toán” khó; có một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ quy định của nhà nước nên còn chưa đóng, chậm đóng kinh phí công đoàn; những cũng không ít các doanh nghiệp mặc dù đã được tuyên truyền nhiều lần nhưng vẫn còn chậm đóng, có doanh nghiệp vẫn cố tình không thực hiện,...
Tình trạng chưa đóng, nợ kinh phí công đoàn tập trung nhiều ở doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Lào Cai do Liên đoàn lao động thành phố và một số Công đoàn ngành (Giao thông vận tải -Xây dựng, Công thương) quản lý thu, và một số doanh nghiệp ở các huyện. Thu kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa triệt để là do nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hay doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, kinh doanh không ổn định nên còn chây ì, không hợp tác trong thực hiện đóng kinh phí công đoàn. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đối với người lao động nên né tránh, chậm hoặc không đóng kinh phí công đoàn. Ngoài ra, một số đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn chưa quyết liệt trong tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp, việc phối hợp còn chặt chẽ với cơ quan thuế, Bảo hiểm xã hội cùng cấp tại địa bàn để trao đổi, cung cấp danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng kinh phí công đoàn để cùng phối hợp thu; mặt khác công tác thanh tra, kiểm tra còn ít, chế tài xử phạt chưa đủ sức …
Tháo gỡ khó khăn trong thu kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, trong thời gian tiếp theo, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động qua nhiều hình thức để các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động hiểu rõ lợi ích của việc đóng kinh phí công đoàn, tự nguyện thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Mặt khác Tổng Liên đoàn đã có Hướng dẫn số 1305/HD-TLĐ ngày 15/8/2017 về Hướng dẫn thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phần mềm mở một tài khoản riêng để các doanh nghiệp nộp kinh phí công đoàn, khi doanh nghiệp nộp tiền thì phần mềm tự động trích chuyển tỷ lệ theo quy định. Liên đoàn lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hoặc với chủ doanh nghiệp về Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thu kinh phí công đoàn trong doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; tổ chức các buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để phối hợp tuyên truyền, đề nghị địa phương cử cán bộ cùng cán bộ công đoàn đến doanh nghiệp gặp gỡ, tuyên truyền, đôn đốc, thu kinh phí công đoàn thuộc địa bàn quản lý. Mới đây, Liên đoàn lao động tỉnh và Cục Thuế tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp, giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, thống nhất việc tăng cường tuyên truyền, phối hợp cung cấp thông tin, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc đóng kinh phí công đoàn; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ.
Với những giải pháp cụ thể, hy vọng rằng, tình trạng nợ đọng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước sớm được giải quyết đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao hơn chất lượng, số lượng các phong trào thi đua, chương trình phúc lợi cho đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thực hiện tốt chủ đề hoạt động công đoàn là “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn và người lao động”.

Ảnh minh họa: Kinh phí công đoàn góp phần cân đối nguồn kinh phí để tổ chức các phong trào, chương trình vì lợi ích cho người lao động
Tác giả: Lan Hương – Báo Lào Cai