THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC HIỆN NAY
Lượt xem: 521

Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid19, đời sống, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng; Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thời gian qua, theo báo cáo của các cấp công đoàn trong 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 189 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (trong đó có 27 người trong ngành y tế) có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thực trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là ngành y tế, ngành Giáo dục có nhiều nguyên nhân, song có một số nguyên nhân chủ yếu là:

1. Do chế độ, chính sách tiền lương trong khu vực công còn nhiều khó khăn, bất cập so với nhu cầu thực tế cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tiền lương, thu nhập giữa khu vực công và khu vực tư có chênh lệch khá lớn.

2. Do thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên cơ sở gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ, trong quá trình tinh giản biên chế, các cơ quan, đơn vị khối lượng công việc đều tăng, đây cũng là sức ép, áp lực nhất định cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là khối y tế, giáo dục.  

3. Do chính sách phát triển thị trường lao động lành mạnh, giữa khu vực công và khu vực tư có sự liên thông có nhiều tương tác, cạnh tranh cùng phát triển. Bên cạnh đó công tác thu hút, sử dụng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, CCVC, nhất là đội ngũ chuyên gia, những người lao động có chuyên môn giỏi còn bất cập. Mặt khác đội ngũ này lại được khu vực tư có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ cao hơn.  

4. Do áp lực công việc đòi hỏi cao đối với CBCCVC trong giai đoạn mới, nhất là 2 ngành trước yêu cầu đổi mới nâng cao về chuyên môn và quản trị. 

5. Cùng với đó là môi trường, điều kiện làm việc ở một số cơ quan, đơn vị nhà nước cơ sở vật chất thiết bị còn nhiều bất cập, chưa có sức hấp dẫn, so với các đơn vị khu vực tư nhân.  

6. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ chính một bộ phận cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ như muốn thử sức thay đổi công việc giữa khu vực công và khu vực tư, muốn thay đổi định hướng nghề nghiệp cho bản thân…

7. Một nguyên nhân khác là chúng ta đang thực hiện cơ chế xã hội hóa, tự chủ tại một số các đơn vị sự nghiệp, trong đó có việc ký hợp đồng làm việc. Chính vì vậy, tạo sự ra - vào thường xuyên giữa khu vực sự nghiệp công và tư.  

Giải pháp: Theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của BCHTW Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu triển khai, thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của BCHTW Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CB,CC,VC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

2. Nhà nước, chính phủ nên nghiên cứu và tiếp tục có chính sách thu hút, ưu đãi đối với CBCCVCNLĐ công tác làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, miền nuí, hải đảo và đội ngũ chuyên gia, những người lao động có chuyên môn giỏi để động viên họ yên tâm công tác.

3. Nhà nước cần đầu tư thêm CSVC, thiết bị đảm bảo điều kiện làm việc theo vị trí việc làm để họ có điều kiện được thể hiện phát huy năng lực của mình.

4. Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tư tưởng yên tâm làm việc trong khu vực nhà nước; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng đội ngũ CBCNVCNLĐ.

5. Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ; đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua để họ tin tưởng, yên tâm cống hiến.

6. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc. 

N.H.L
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập