Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi số
Lượt xem: 30

Xu hướng chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tạo điều kiện để NLĐ tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi số

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển con người và công nghệ: Hướng tới xã hội hòa nhập số cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Samsung và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 18.10, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh, cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đã và đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tất Thảo
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tất Thảo

Chuyển đổi số đã giúp nâng cao mức độ tiếp cận với công nghệ, trình độ, kỹ năng số của người lao động trong công việc, đời sống, phát huy vai trò tiên phong của người lao động trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động còn hạn chế về kiến thức công nghệ, khó tiếp cận các nền tảng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…

"Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình chuyển đổi số, góp phần hiện thực “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để cùng thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả để xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam số hóa, nơi công nghệ phục vụ cuộc sống của mọi người, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau" - ông Phan Văn Anh khẳng định.

Nâng cao năng lực số cần sự chung tay của cả xã hội

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án để thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo phát triển bền vững, công bằng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nâng cao năng lực trong quá trình chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nâng cao năng lực trong quá trình chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỉ đồng (tương đương 74 tỉ đô la Mỹ).

"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: Đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo “thu hẹp khoảng cách số” cũng là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Những nhóm người dân dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc. Chính vì vậy, nâng cao năng lực số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội" - Thứ trưởng khẳng định.

Ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá - Việt Nam là một quốc gia đi sau trong tiếp cận Internet nhưng nhanh chóng trở thành “công dân số” tích cực nhất trên thế giới.

"Việt Nam đã có tới 84% dân số tiếp cận Internet, 78 triệu người sử dụng Internet để đọc tin tức, trong đó 72 triệu người hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Đặc biệt, không chỉ tiếp cận Internet một cách thụ động, nhiều người dân Việt Nam còn sử dụng mạng xã hội để phát triển kinh tế" - ông Patrick Haverman đánh giá.

https://laodong.vn/kinh-doanh/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-trong-cuoc-chuyen-doi-so-1409412.ldo

 

Theo Báo Lao động
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập